Bài báo này sẽ đi sâu tìm hiểu về sự lựa chọn các thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo, một bộ tuyển tập đồ sộ thơ Công giáo Việt Nam từ thế hệ của Hàn Mặc Tử đến nay. | HNUE JOURNAL OF SCIENCE Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 34-44 This paper is available online at DOI: MỘT SỐ THỂ THƠ TRONG THƠ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (KHẢO SÁT QUA NĂM TẬP CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO) Nguyễn Thị Kim Hồng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên Tóm tắt. Đức tin là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ tôn giáo. Cảm hứng về Đức tin thể hiện rất đa dạng, phong phú trong thơ tôn giáo, nó chi phối đến cách lựa chọn đề tài, chủ đề, hình ảnh, nội dung, ngôn ngữ. Để chuyển tải mạch cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của mình, các nhà thơ đã tìm tòi, sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau từ cách thức tổ chức ngôn ngữ, giọng điệu, đến sự lựa chọn thể thơ, lựa chọn các hình ảnh biểu tượng phù hợp. Bài báo này sẽ đi sâu tìm hiểu về sự lựa chọn các thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo, một bộ tuyển tập đồ sộ thơ Công giáo Việt Nam từ thế hệ của Hàn Mặc Tử đến nay. Từ khóa: Thể thơ, thơ Công giáo Việt Nam hiện đại. 1. Mở đầu Từ lâu, văn học Công giáo chủ yếu được biết đến nhiều ở lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt trong công cuộc hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ XX. Phần về thơ, quả thực còn ít được chuyên tâm tìm hiểu. Điều này đặt ra sự nghi ngại của các nhà nghiên cứu về sự tồn tại hay không tồn tại của một dòng thơ Công giáo Việt Nam, cũng như quá trình vận động, sức sống, và vị trí, ý nghĩa của thơ Công giáo trong lịch sử thơ ca dân tộc. Năm 2012, Có một vườn thơ đạo ra đời cho thấy có sự hiện hữu của một dòng thơ Công giáo Việt Nam trong lòng thơ ca dân tộc. Với vai trò tiên phong và đại diện của Hàn Mặc Tử, thơ Công giáo đã có những bước vận động phát triển nhất định. Dù khiêm nhường và có phần lặng lẽ, sự hiện diện của thơ Công giáo với những nét đặc sắc riêng đã góp phần ít nhiều trong việc làm phong phú hóa nền thơ ca Việt Nam. Và riêng đối với công cuộc hiện đại hóa thơ ca đầu thế kỉ XX, trong những tác động mạnh mẽ của văn hóa phương Tây,