Tòa án Hiến pháp đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy và củng cố nền dân chủ thông qua các phán quyết của mình, mà rõ nét nhất là trong các bản án liên quan đến ba lĩnh vực: Bảo vệ các quyền tự do cá nhân, bảo đảm các nguyên tắc bầu cử dân chủ và bảo đảm nguyên tắc phân chia quyền lực. | Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, Tập 29, Số 3 (2013) 62-72 Vai trò thúc đẩy dân chủ của Tòa án hiến pháp Hàn Quốc Lã Khánh Tùng* Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam Nhận ngày 03 tháng 6 năm 2013 Chỉnh sửa ngày 30 tháng 6 năm 2013; Chấp nhận đăng ngày 20 tháng 8 năm 2013 Tóm tắt: Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc, cùng với bản Hiến pháp sửa đổi năm 1987, ra đời như một kết quả của phong trào vận động dân chủ diễn ra trong suốt thập niên 80 của thế kỷ XX. Đến lượt nó, Tòa án Hiến pháp đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy và củng cố nền dân chủ thông qua các phán quyết của mình, mà rõ nét nhất là trong các bản án liên quan đến ba lĩnh vực: bảo vệ các quyền tự do cá nhân, bảo đảm các nguyên tắc bầu cử dân chủ và bảo đảm nguyên tắc phân chia quyền lực. Phong trào vận động dân chủ của các lực lượng tiến bộ diễn ra sôi động trong suốt thập niên 80 của thế kỷ trước, mà đỉnh cao là phong trào dân chủ tháng Sáu (tháng 6 năm 1987), đã dẫn đến sự chuyển đổi dân chủ tại Hàn Quốc và thành lập nên Đệ lục Cộng hòa. Hiến pháp 1948 được sửa đổi lần thứ 9, mà gần như được viết lại hoàn toàn, xác lập mô hình bán tổng thống và thành lập ra Tòa án Hiến pháp (TAHP).*Từ khi bắt đầu hoạt động (tháng 9/1988) đến nay, qua bốn khóa nhiệm kỳ (6 năm/1 nhiệm kỳ), TAHP ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu như một "người bảo vệ Hiến pháp". Tòa án, thông qua các phán quyết của mình, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, tự do xuất bản, tự do ngôn luận, hội họp, quyền bầu cử, cũng như liên quan đến các thể chế, nguyên tắc dân chủ, bảo đảm trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền, đã có vai trò trực tiếp thúc đẩy tự do và củng cố nền dân chủ. Mặc dù, giống như nhiều tòa án khác, TAHP vẫn thường thể hiện sự quan tâm đến yếu tố duy trì ổn định trật tự pháp lý. Bài viết này bắt đầu bằng việc khái quát về bối cảnh ra đời và một số đặc điểm nổi bật của TAHP. Sau đó, tác giả phân tích vai trò của TAHP trong thúc đẩy dân chủ, .