Ra mắt bạn đọc từ những năm 90 của thế kỉ XX, Sự mất ngủ của lửa được nhắc đến như một dấu mốc đổi mới thơ ca Việt Nam hiện đại. Từ góc nhìn sinh thái, tập thơ mở ra những trang đầu của khát vọng “trốn lo âu về lại cánh đồng”. Trên con đường lưu lạc tha hương với những va đập ồn ào phố thị, cố hương trở thành nơi chốn tìm về, thành điểm tựa nương náu. | JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Science, 2017, Vol. 62, Iss. 11, pp. 112-117 This paper is available online at DOI: SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA: TÂM THỨC HOÀI HƯƠNG TRONG THƠ SINH THÁI NGUYỄN QUANG THIỀU Đặng Thị Bích Hồng Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Hùng Vương Tóm tắt. Ra mắt bạn đọc từ những năm 90 của thế kỉ XX, Sự mất ngủ của lửa được nhắc đến như một dấu mốc đổi mới thơ ca Việt Nam hiện đại. Từ góc nhìn sinh thái, tập thơ mở ra những trang đầu của khát vọng “trốn lo âu về lại cánh đồng”. Trên con đường lưu lạc tha hương với những va đập ồn ào phố thị, cố hương trở thành nơi chốn tìm về, thành điểm tựa nương náu. Không gian của dòng sông Đáy thân thuộc và kì vĩ, của đồng đất khôi nguyên và nồng ấm tạo mạch nguồn cảm hứng tư hương. Nơi đó, thiên nhiên giăng níu với con người, đặc biệt, với mẹ và với những người phụ nữ thôn quê. Không gian cố hương vì thế không chỉ gắn liền với kí ức tuổi thơ mà còn là biểu tượng cho những giá trị cao đẹp của con người và thế giới tự nhiên. Từ khóa: Nguyễn Quang Thiều, Sự mất ngủ của lửa, sông Đáy, cố hương. 1. Mở đầu Ra mắt bạn đọc từ những năm 90 của thế kỉ XX, Sự mất ngủ của lửa đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình thơ Nguyễn Quang Thiều. Thậm chí, tập thơ được nhắc đến như một dấu mốc đổi mới thơ ca Việt Nam hiện đại. Những thể nghiệm cách tân của Nguyễn Quang Thiều thực tế đã lan tỏa rộng rãi tới nhiều cây bút trẻ sau đó. Cũng vì thế, Sự mất ngủ của lửa thu hút sự quan tâm của không ít nhà nghiên cứu phê bình. Đánh giá về cách tân trong Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng đó là những cách tân có tính gây hấn, “tạo nên sự khác lạ về cái nhìn nghệ thuật, hệ thống biểu tượng, cách tổ chức cấu trúc văn bản. . . ” [1;]. Mai Văn Phấn khẳng định thi pháp Nguyễn Quang Thiều ở tập thơ này là “những kết cấu mới, mở ra những liên tưởng phi tuyến tính, và đặc biệt, tạo những hình ảnh lạ lẫm, trương nở, chuyển động nhanh” [3;]. . .