Bài viết tập trung nghiên cứu một trường hợp trong số các vị thần Hindu giáo ấy - nữ thần Saraswati (tức nữ thần Benzaiten trong văn hóa Nhật Bản) nhằm làm rõ quá trình hình thành, phát triển cũng như đặc điểm bản địa hóa của tục thờ nữ thần này tại Nhật Bản. | Nữ thần Saraswati (Benzaiten) ở Nhật Bản - quá trình hình thành, phát triển và bản địa hóa 100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2016 NGUYỄN ANH TUẤN* NỮ THẦN SARASWATI (BENZAITEN) Ở NHẬT BẢN - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ BẢN ĐỊA HÓA Tóm tắt: Là một nền văn minh vĩ đại của Châu Á, một trong bốn nền văn minh cổ đại lớn còn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay, văn minh Ấn Độ có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến nhiều nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Trong suốt chiều dài lịch sử, những tiếp xúc - giao lưu giữa văn minh Ấn Độ và các nền văn hóa Châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, đã để lại những dấu ấn văn hóa đặc sắc. Tại Nhật Bản, giao lưu văn hóa với Ấn Độ qua con đường Triều Tiên và Trung Hoa cũng không nằm ngoại lệ. Nhiều yếu tố văn hóa, gồm cả tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ đã được truyền đến Nhật Bản và được người Nhật Bản tiếp thu, dung hợp để phù hợp với điều kiện cụ thể của họ. Trong số những yếu tố văn hóa đó, không thể không kể đến quá trình tiếp nhận, phát triển và bản địa hóa việc thờ các vị thần trong Hindu giáo tại Nhật Bản. Bài viết tập trung nghiên cứu một trường hợp trong số các vị thần Hindu giáo ấy - nữ thần Saraswati (tức nữ thần Benzaiten trong văn hóa Nhật Bản) nhằm làm rõ quá trình hình thành, phát triển cũng như đặc điểm bản địa hóa của tục thờ nữ thần này tại Nhật Bản. Từ khóa: Benzaiten, Saraswati, Thần đạo, Hindu giáo, bản địa hóa. 1. Sự truyền bá nữ thần Saraswati qua Kinh Phật vào Nhật Bản Hình ảnh nữ thần Saraswati ở Nhật Bản gắn liền với sự truyền bá hai bản dịch của kinh Suvarnaprabhāsa (The Sutra of Golden Light) tại đất nước này: bản dịch của Bảo Quý (寶 貴) và bản dịch của Nghĩa Tịnh (義 淨). Trong hai bản dịch trên, bản dịch của Bảo Quý xuất hiện sớm hơn, vào năm 676 dưới thời Thiên hoàng Temmu với tên gọi Kim Quang Minh Kinh1. Tiếp đó, năm 725, dưới thời Thiên hoàng Shomu, bản dịch của Nghĩa Tịnh đã xuất hiện với tên gọi Kim Quang Minh Tối Thắng Vương .