Chủng T1 phân lập từ các mẫu ngô nếp NK66 nhiễm nấm mốc tự nhiên được sử dụng để nghiên cứu khả năng kháng nấm của dịch chiết vi khuẩn Pseudomonas putida 199B. Đặc điểm hình thái của chủng T1 đã được quan sát đại thể trên môi trường PDA và vi thể trên kính hiển vi kết hợp so sánh với loài Aspergilus flavus đối chứng. | Nghiên cứu sử dụng màng bao sinh học từ dịch chiết vi khuẩn Pseudomonas putida 199B đến kháng nấm Aspergilus flavus T1 trong quá trình bảo quản hạt ngô giống Tạp chí Khoa học–Đại học Huế ISSN 2588–1191 Tập 126, Số 3C, 2017, Tr. 101–112 NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG MÀNG BAO SINH HỌC TỪ DỊCH CHIẾT VI KHUẨN Pseudomonas putida 199B ĐẾN KHÁNG NẤM Aspergilus flavus T1 TRONG QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN HẠT NGÔ GIỐNG Nguyễn Thỵ Đan Huyền*, Lê Thanh Long, Trần Thị Thu Hà, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Hiền Trang Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, 102 Phùng Hưng, TP. Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam Tóm tắt: Chủng T1 phân lập từ các mẫu ngô nếp NK66 nhiễm nấm mốc tự nhiên được sử dụng để nghiên cứu khả năng kháng nấm của dịch chiết vi khuẩn Pseudomonas putida 199B. Đặc điểm hình thái của chủng T1 đã được quan sát đại thể trên môi trường PDA và vi thể trên kính hiển vi kết hợp so sánh với loài Aspergilus flavus đối chứng. Kết quả phân tích trình tự gen mã hóa 28S rRNA của chủng T1 cho thấy sự tương đồng trình tự cao với các trình tự tương ứng của loài Aspergilus flavus trên ngân hàng gen. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của dịch chiết vi khuẩn P. putida lên sự phát triển của nấm A. flavus gây bệnh trên hạt ngô sau thu hoạch và bảo quản ở điều kiện in vitro cho thấy dung dịch P. putida nồng độ 24 % đã ức chế 74,50 % sự phát triển đường kính tản nấm sau 10 ngày nuôi cấy và ức chế 79,63 % sự hình thành sinh khối sợi nấm sau 7 ngày nuôi cấy. Ở điều kiện in vivo, sự nảy mầm của hạt giống ngô sau 30 ngày được tạo màng bao sinh học bằng dịch chiết vi khuẩn P. putida nồng độ 18 % đạt 97,91 %, tỉ lệ hạt nhiễm nấm mốc giảm còn 20 % so với 72 % ở mẫu đối chứng. Từ khóa: Aspergilus flavus, hạt ngô, kháng nấm, màng bao, Pseudomonas putida 1 Đặt vấn đề Cây ngô (Zea mays L.) là một loại ngũ cốc quan trọng trên thế giới, đứng thứ ba sau lúa mì và lúa gạo, có năng suất cao và giá trị kinh tế lớn của loài người, là nguồn lương thực nuôi sống gần 1/3 dân số thế giới.