Bài viết bước đầu đặt tác phẩm Nho giáo vào bối cảnh vận động và phát triển chung của Nho giáo khu vực đầu thế kỷ XX, sơ bộ tìm hiểu những điểm chung và khác biệt trong nội dung và thao tác hiện đại hóa tư tưởng Nho giáo về mặt “dân chủ” giữa Trần Trọng Kim với Tân Nho gia hiện đại Trung Quốc. | Nho giáo và tư tưởng dân chủ Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (136) . 2017 17 NHO GIÁO VÀ TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ (Luận về tư tưởng “dân chủ” Nho giáo của Trần Trọng Kim trong tác phẩm Nho giáo) Nguyễn Thọ Đức* I. Mở đầu “Dân chủ” và “khoa học” là sản phẩm vĩ đại của lịch sử nhân loại, cũng là những nhân tố làm nên sự cường thịnh và ưu việt (so với phương Đông) của các quốc gia phương Tây thời cận hiện đại. Nó trở thành biểu tượng của văn hóa phương Tây, và là mục tiêu hướng tới của các quốc gia phương Đông. “Dân chủ” và “khoa học” trở thành tiêu chí chung thể hiện trình độ văn minh của một quốc gia hiện đại, và là nội dung chủ yếu của “hiện đại hóa”. Thất bại thảm hại trước sức mạnh quân sự của các nước đế quốc phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là cái giá đắt phải trả để tầng lớp trí thức Trung Quốc và Việt Nam dần tỉnh ngộ và nhận thức ra rằng: “thể chế chính trị dân chủ” và “nền khoa học kỹ thuật hiện đại” - sản phẩm đặc hữu của văn hóa phương Tây chính là nhân tố đem lại sức mạnh cho các nước đế quốc phương Tây. Sự cường thịnh và hùng mạnh của các nước phương Tây được quyết định bởi hai nhân tố này. Đây cũng là điểm khiếm khuyết ở các quốc gia chuyên chế Nho giáo Đông Á. Bởi vậy, nếu muốn đất nước tránh được họa diệt vong, giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ thực dân, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, đủ sức đương đầu với các cường quốc phương Tây, các quốc gia Đông Á buộc phải học tập khoa học kỹ thuật và xây dựng thể chế chính trị dân chủ theo mô hình phương Tây để “hiện đại hóa” đất nước. Vì thế, “hiện đại hóa” trở thành xu hướng tất yếu, là yêu cầu bức thiết mang tính thời đại, nó quán xuyến trong nhận thức và mục tiêu của giới tư tưởng hiện đại Trung Quốc và Việt Nam. Cũng cần hiểu nội hàm “hiện đại hóa” trong quan niệm của giới tư tưởng hiện đại Trung Quốc và Việt Nam không đơn thuần chỉ là hiện đại hóa về mặt vật chất, mà nó luôn bao hàm hai tầng ý nghĩa song trùng. Công cuộc hiện đại hóa về