Tới Việt Nam người ta hay nhắc đến Ngũ Hành Sơn, một danh lam thắng cảnh của Quảng Nam mà người dân Quảng Nam không ít thì nhiều cũng một lần tham quan 5 ngọn núi Ngũ Hành được liệt vào trong di tích văn hóa lịch sử của đất nước. | Sau cuộc Nam tiến dưới thời Vua Lê Thánh Tôn vào thế kỷ 15, người Chàm bị đẩy lui vào phía Nam, Ngũ Hành Sơn từ đó được tu bổ và xây dựng thành một thắng cảnh của nước Việt. Dưới thời Tây Sơn, Ngũ Hành Sơn bị tàn phá nhiều, vì quân Tây Sơn nghi là người Chàm đem vàng và của qúy cất dấu trong kho tàng ở Ngũ Hành Sơn. Tin truyền Chúa Nguyễn Ánh có lần bị thất trận với Tây Sơn ở Quảng Nam, Ngài đã chạy ẩn trốn ở Ngũ Hành Sơn và nhờ một vị tiên chỉ đường thoát nạn và cứu quân sĩ khỏi đói, vì thế sau khi lên ngôi Hoàng Ðế, Ngài phong tước cho núi này nhất là hòn Thủy Sơn. Ðến đời Vua Minh Mạng, thì Nhà Vua đã nhiều lần viếng Ngũ Hành Sơn, và cho xây dựng thêm chùa Tam Thai và điện Hoa Nghiêm, đúc chuông và đúc nhiều tượng Phật và tu sửa các chùa đền bị hư hại. Trong thời gian dưới triều Gia Long, người ngoại quốc được phép viếng Ngũ Hành Sơn một cách dễ dàng, nhưng qua thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức việc thăm viếng Ngũ Hành Sơn rất khó khăn vì chính sách bài Pháp. Qua thời Pháp đổ quân lên cửa biển Ðà Nẵng năm 1859, việc đi lại bị khó khăn hơn, nên những kẻ hành hương viếng cảnh ngày một thưa dần, và Ngũ Hành Sơn trở lại tình trạng điêu tàn đổ nát.