Nhân lực trong tổ chức là một vấn đề rất quan trọng, sắp xếp và sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, đúng người, đúng việc và đủ cả về chất lượng và số lượng sẽ quyết định sự thành công của tổ chức. Tuy nhiên đây là một bài toán không hề đơn giản mà mọi doanh nghiệp cũng như các đơn vị hành chính, hành chính sự nghiệp cần phải vượt qua để tiến đến sự phát triển một cách bền vững | Với sự phân tích và tổng hợp trong nội dung niên luận có thể nhận thấy các biện pháp để cân đối lại nguồn nhân lực rất phong phú, đa dạng: Khi nguồn nhân lực dư thừa nhà quản trị có thể sử dụng các biện pháp cơ bản như: Hạn chế việc tuyển dụng; Cho nghỉ hưu sớm; Giãn thợ - Cho nghỉ tạm thời (Layoffs); Nghỉ không ăn lương; Cho thuê nhân sự. Ngược lại trong trường hợp tổ chức thiếu nguồn nhân lực có thể sử dụng các biện pháp: Hợp đồng gia công; Thuê lao động; Tuyển dụng. Tuy nhiên mỗi biện pháp cân đối đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau, nhiều biện pháp tinh giản nguồn nhân lực như: Cho nhân viên thôi việc, nghỉ việc, đặc biệt là hình thức sa thải, có thể gây ra tâm lý tiêu cực không chỉ cho nhân viên nhân quyết định đó, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý những nhân viên tiếp tục ở lại làm việc cho công ty. Vì vậy khi ra bất cứ một quyết định nào liên quan đến việc thay đổi cơ cấu lao động phải xem xét đánh giá trung thực, toàn diện về lợi ích cũng như tác hại khi áp dụng. Với các quyết định cân đối lại nguồn nhân lực nhà quản lý phải thể hiện được nghệ thuật lãnh đạo khéo léo, hạn chế sử dụng các hình thức kỷ luật để tạo niềm tin cho nhân viên, tạo điều kiện để người lao động có cơ hội tìm công việc mới phù hợp.