Để thống nhất việc hoạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ theo các quy định về hệ thống tài khoản kế toán của các tổ chức tín dụng và chuẩn mực kế toán Việt Nam, ngày 29/8/2006 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số 7404/NHNN-KTTC hướng dẫn các tổ chức tín dụng hạch toán kế toán đối với nghiệp vụ này. | Hướng dẫn hạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ Để thống nhất việc hoạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ theo các quy định về hệ thống tài khoản kế toán của các tổ chức tín dụng và chuẩn mực kế toán Việt Nam, ngày 29/8/2006 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số 7404/NHNN-KTTC hướng dẫn các tổ chức tín dụng hạch toán kế toán đối với nghiệp vụ này. Nội dung chính của công văn này gồm có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nguyên tắc và nội dung kế toán đối với các nghiệp vụ hối đoái kỳ hạn; nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ; nghiệp vụ mua quyền lựa chọn; nghiệp vụ bán quyền lựa chọn; và nghiệp vụ giao dịch quyền chọn giữa 2 loại ngoại tệ. Các hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ phái sinh tiền tệ. Đồng thời, trong quá trình thực hiện hạch toán, kế toán cần lưu ý một số vấn đề: (1) Nghiệp vụ tương lai về tiền tệ được xử lý và hạch toán tương tự như nghiệp vụ kỳ hạn tiền tệ nhưng sử dụng các tài khoản theo dõi về nghiệp vụ tương lai; (2) Cuối năm tài chính, các khoản lãi chưa thực hiện tổ chức tín dụng không được chia lợi nhuận, trả cổ tức trên số lãi này ngay trong năm liền kề, ngoại trừ trường hợp sau 6 tháng đầu năm sau có số lãi chưa thực hiện lớn hơn 2/3 số lãi năm trước thì mới được chia; (3) Tuỳ theo điều kiện công nghệ, các tổ chức tín dụng có thể không lập các bảng kê theo đúng mẫu quy định tại hướng dẫn này, nhưng trên chứng từ hạch toán, kế toán phải đảm bảo đúng nội dung kinh tế nghiệp vụ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; (4) Nghiệp vụ mua/bán, chuyển đổi ngoại tệ kỳ hạn đã được phản ánh vào các tài khoản nội bảng 474, do đó không cần thực hiện theo dõi trên các tài khoản ngoại bảng; (5) Nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ và nghiệp vụ quyền lựa chọn tiền tệ đã được thực hiện ghi nhận và theo dõi trên các tài khoản ngoại bảng nên không cần theo dõi trên các tài khoản nội bảng vì các giao dịch này không phải đánh giá lại giá trị VND tương ứng. (6) Trường hợp ngày thực hiện thanh toán giao dịch quyền lựa chọn có độ trễ so với thời gian đáo hạn hợp đồng: Tổ chức tín dụng thực hiện tất toán các tài khoản ngoại bảng về cam kết quyền lựa chọn và chuyển sang theo dõi trên các tài khoản cam kết giao dịch ngoại tệ trao ngay và chưa thực hiện xử lý và hạch toán trên các tài khoản nội bảng về quyền chọn. Admin (Theo SBV)