Theo quy định của luật pháp Trung Quốc, tội sản xuất, tiêu thụ tiền giả có hình phạt rất nặng. Tùy vào mức độ phạm tội, người có hành vi sản xuất, tiêu thụ tiền giả có thể bị phạt tù hoặc tử hình. Bên cạnh việc đưa ra các quy định xử phạt nghiêm khắc đối với loại hình tội phạm này, Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc tổ chức hoạt động phòng chống tiền giả. | Nhiệm vụ phòng, chống tiền giả tại Trung Quốc có liên quan đến nhiều các cơ quan chức năng khác nhau, như Ngân hàng Nhân dân Trung quốc, Công an, Hải quan, Biên phòng, Hiệp hội công thương ; trong đó hai ngành có vai trò chính là Công an và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Để việc phối hợp phòng, chống tiền giả được chặt chẽ giữa các ngành, Trung Quốc thành lập các ủy ban phối hợp liên ngành. Tại trung ương, đứng đầu ủy ban này là một Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc vụ viện, các thành viên còn lại là lãnh đạo cấp vụ của các bộ ngành nói trên; tại các tỉnh, thành phố, người đứng đầu ủy ban này là Giám đốc chi nhánh cấp tỉnh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Thông thường, các ủy ban này họp 2 lần/năm (ở cấp tỉnh họp thường xuyên hơn) để các ngành trao đổi thông tin cho nhau về kế hoạch, chủ trương và biện pháp trong chỉ đạo và thực hiện việc phòng chống tiền giả thuộc lĩnh vực chức năng của ngành mình đảm nhiệm. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong hoạt động phòng, chống tiền giả mjà chúng ta cần quan tâm.