Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam buộc phải mở cửa nhiều lĩnh vực, trong đó, vấn đề mở cửa thị trường tài chính được coi là yếu tố then chốt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường một cách sâu rộng. | Lạm phát mục tiêu và vai trò của NHTW trong quản lý dự trữ ngoại hối Ngày 31/8/2006, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức “Hội thảo về lạm phát mục tiêu và vai trò của NHTW trong quản lý dự trữ ngoại hối”. Tại đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Nguyễn Đồng Tiến cùng các chuyên gia ngành ngân hàng và ông Hebbel – chuyên gia kinh tế trưởng NHTW Chi – Lê đã có những ý kiến phân tích sâu sắc về 2 vấn đề: điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế lạm phát mục tiêu và vai trò của NHTW trong quản lý dự trữ ngoại hối khi VN chính thức mở cửa thị trường tài chính. Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam buộc phải mở cửa nhiều lĩnh vực, trong đó, vấn đề mở cửa thị trường tài chính được coi là yếu tố then chốt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường một cách sâu rộng. Khi mở cửa thị trường tài chính tức là chấp nhận tự do hóa tài chính, tự do hóa luồng luân chuyển vốn. Điều này, sẽ giải tỏa gánh nặng nguồn vốn cho các ngân hàng, đồng thời làm phong phú và lành mạnh hóa thị trường vốn nói chung. Nhưng ở một bình diện khác, việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên phương diện vĩ mô phải đối mặt với một thực tế khác khi có những biến động lớn trên thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, khi mà bất cứ nền kinh tế nào cũng đều chịu sự tác động bởi các diến biến khách quan, sự biến động của tỷ giá, mối quan hệ nhân quả của giữa biến số tiền tệ và lạm phát, sự chuyển dịch của các luồng vốn Đối với chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam, những năm gần đây, đã có sự thay đổi lớn theo hướng chuyển dần sang điều tiết tiền tệ gián tiếp, duy trì ổn định tiền tệ, góp phần kìm chế lạm phát nhưng luôn đóng vai trò đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc điều hành tỷ giá cũng hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để tăng cường năng lực dự trữ ngoại hối. Mặc dù vậy, do “vừa bế em vừa xay thóc”, phải thực hiện nhiều mục tiêu giữa chống lạm phát nhưng không được để ảnh hưởng tới tăng trưởng, nên tỷ lệ lạm phát ngắn hạn vẫn chưa thực sự ổn định dù mục tiêu kiểm soát lạm phát dài hạn ngày càng có xu hướng giảm. Về vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng: “Để đảm bảo cân đối vĩ mô, hạn chế tác động sự chuyển dịch của các luồng vốn đến diễn biến kinh tế – tiền tệ trong nước, việc thực thiện CSTT tin cậy, có tính minh bạch và cùng với việc quản lý ngoại hối nhất là quản lý ngoại hối dự trữ nhà nước một cách hiệu quả và áp dụng chính sách tỷ giá phù hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng”. Điều này cũng được định hướng một cách rõ nét trong Đề án phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020 tại Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Thủ tướng chính phủ: “Tạo lập các điều kiện cần thiết để sau 2010, NHNN chuyển sang điều hành CSTT theo cơ chế lạm phát mục tiêu” và “Tăng nhanh dự trữ ngoại hối nhà nước. Thực hiện các biện pháp quản lý tập trung, thống nhất dự trữ ngoại hối nhà nước tại NHNN. Tập trung các nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Thực hiện chính sách ngoại hối mở để khuyến khích xuất khẩu và thu hút nguồn ngoại tệ chảy vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng”. Trên thực tế, quan điểm này đã được rất nhiều ngân hàng TW của nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và Chi – Lê là một điển hình trong việc thực thi chính sách điều hành tiền tệ thông qua cơ chế lạm phát mục tiêu hoàn chỉnh, áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi và tăng cường quản lý dự trữ ngoại hối trong hệ thống ngân hàng. Trần Quỳnh My,VP