Giáo dục đạo đức là một trong những vấn đề nổi bật trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đạo đức và luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức trong sự nghiệp trồng người. Công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay đang cần những thế hệ công dân tốt và đội ngũ cán bộ có đủ cả đức lẫn tài. Cho nên, việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức là một trong những yêu cầu của công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, là đòi hỏi cấp thiết. | Hiện thực xã hội những năm vừa qua, đôi lúc làm chúng ta thực sự lúng túng. Tuy nhiên, không phải vì thực trạng đó mà đổ lỗi cho khách quan, cho nền kinh tế thị trường. Mỗi chúng ta cần phải nhận diện các hiện tượng đó với những mặt tích cực và tiêu cực để kiểm soát và điều chỉnh hành vi của chính mình. Nghĩa là phải có cái nhìn khách quan, phải có sự đánh giá nghiêm túc trước những diễn biến của đời sống đạo đức xã hội những năm vừa qua. Đảng ta cũng đã từng thừa nhận là “thiếu sự chuẩn bị đầy đủ”, “chưa chú ý đúng mức vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức”. Chính vì quá xem nhẹ hay chưa chú ý đúng mức việc giáo dục đạo đức nên cả xã hội đã phải chứng kiến quá nhiều những hành vi vô đạo đức, phản luân lý. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc chú trọng công tác giáo dục đạo đức với nhiều nội dung, bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, sẽ giúp mỗi người Việt Nam, đặc biệt là giúp cho thế hệ trẻ biết vươn lên với tinh thần, tình cảm và trách nhiệm của mình, làm chủ được một cách đúng đắn tri thức hiện đại, trở thành những con người có đầy tâm, đủ tài, biết “đau với nỗi đau của đất nước, biết lo với nỗi lo chung của đất nước”. Nói cách khác, trong giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết tự “xoá đói về thông tin, về trí tuệ”, phải biết tự “xoá nghèo về nhân cách và đạo đức làm người” (12), để thực sự trở thành những công dân vừa “hồng” vừa “chuyên” nhằm xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã từng mong đợi.