Tài liệu "Giáo dục học đại cương" sẽ cung cấp đến bạn đọc các kiến thức như sau: chương 1 - giáo dục học là một khoa học; chương 2 - giáo dục và sự phát triển nhân cách; chương 3 - mục đích và nhiệm vụ giáo dục. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn hình dung được nội dung kiến thức của môn học giáo dục đại cương. | c. Đến cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV khi mầm mống của xã hội tư bản xuất hiện, nhân loại bước vào thời đại phục hưng. Các nhà tư tưởng nhân văn tiên tiến xuất hiện, tạo nên nhu cầu, động lực mới thúc đẩy giáo dục phát triển với tư tưởng giáo dục tiến bộ : Vượt ra khỏi khuôân khổ giáo dục kinh viện – tôn giáo, hướng về chủ nghĩa nhân văn. Các nhà nhân văn chủ nghĩa chủ trương đề cao giá trị con người, cho rằng con người cần được phát triển toàn diện. Chính bước quá độ từ chế độ phong kiến qua chủ nghĩa tư bản đã làm xuất hiện những hệ thống tri thức mới ra đời, trong đó có nhiều khoa học tách ra khỏi triết học. Giáo dục học từ đây cũng tồn tại và phát triển như là một khoa học độc lập do công của nhà giáo dục học vĩ đại Tiệp Khắc Comenxki (1592 – 1670). Ông là nhà lý luận và là nhà tư tưởng giáo dục đã đề cao giáo dục phổ cập, việc dạy tiếng mẹ đẻ trong các nhà trường và nêu ra luận chứng chặt chẽ trong tác phẩm nổi tiếng : “Phép giảng dạy vĩ đại”. Rất nhiều nguyên tắc dạy học vẫn được sử dụng đến ngày nay như : Nguyên tắc trực quan, nguyên tắc tính khoa học và tính hệ thống trong dạy học vv đã được nêu bật trong tác phẩm ấy.