Hiện sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thương hiệu “CheViet” đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực như Mỹ, EU và Nga. | Để tăng chất lượng sản phẩm, các đơn vị kinh doanh đã chú trọng đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến với dây chuyền, thiết bị tiên tiến, đưa công nghệ mới vào sản xuất, phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm chè ngay tại vùng nguyên liệu, tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn cân nhắc, tính toán cả về cơ cấu và tỷ trọng giống, loại bỏ dần giống bị thoái hoá, kém năng suất, nhập giống chè ngoại trồng thay thế, mở rộng đồng chè giống chất lượng cao thích ứng với nhu cầu thị trường. Tỉnh đã chú trọng xây dựng tập đoàn giống chè khá phong phú gồm 14 loại, trong đó 7 giống trồng phổ biến hiện nay là giống chè Shan, chè trung du, PH1, LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Bát Tiên. vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu giống trên địa bàn, vừa cung cấp cho các vùng chè ngoài tỉnh. Sơn La còn chú trọng xây dựng đồng chè tại các khu, điểm tái định cư thuỷ điện Sơn La, bố trí cơ cấu hợp lý để phát triển đồng chè, mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào vùng tái định cư. Đây còn là bước chuyển hướng sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, chuyển dần người lao động nông nghiệp thuần tuý thành công nhân nông nghiệp. Cây chè còn trở thành "cây xoá đói giảm nghèo" cho nhiều hộ bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Ông Lường Văn Xuân, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã Tô Múa (huyện Mộc Châu) cho rằng: Trước đây 1 kg chè chỉ bằng 0,3 kg thóc, nay giá được nâng lên và tiêu thụ được nên nhiều hộ làm chè thu từ 20 đến 25 triệu đồng/năm. Nhờ vậy số hộ khá trong xã tăng lên 65% (theo tiêu chí cũ), hộ nghèo giảm xuống dưới 4,5%. Hai xã Chiềng Khoa và Tô Mua (xã liền kề) có trên hộ đồng bào làm chè và họ mong muốn được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để nâng chất lượng chè và tăng thu nhập.