Củng cố những kiến thức địa chất, địa hình, bản đồ đã học. Đối chiếu, so sánh kiến thức lí thuyết với thực tiễn sinh động. Vận dụng các kiến thức đã học, nghiên cứu để giải thích, cắt nghĩa trên cơ sở khoa học các quá trình, các sự vật, hiện tượng đã và đang xảy ra trên thực địa. Biết được các bước tiến hành, cách tổ chức, chuẩn bị cho một đoàn khảo sát, học tập ở ngoài trời làm cơ sở cho việc tổ chức học tập trên thực địa ở cấp học THCS và THPT. | Các chuyển động nâng tân kiến tạo trong thung lũng sông Kỳ Cùng để lại những dấu ấn rất rõ nét. Quá trình ăn mòn, rửa lũa đá vôi để thành tạo các ngấn nước ăn sâu vào vách đá karst với độ sâu trên, dưới 1 m đòi hỏi phải có thời gian hàng ngàn năm. Dựa vào khoảng cách giữa các ngấn nước, chúng ta có thể thấy rằng khoảng thời gian từ mức 3 đến mức 2 và từ mức 2 đến mức 1 gần như tương đương nhau, là thời gian mà nước sông với các hoạt tính hóa học của nó đã khoét vào vách karst để thành tạo các ngấn nước nói trên. Quá trình xói lở - bồi tụ diễn ra trên sông Kỳ Cùng đã và đang diễn ra với quy mô và cường độ yếu (chỉ diễn ra mạnh vào mùa lũ). Điều đáng quan tâm là sự hiện diện của một số đoạn xói lở trái với quy luật, đó là các đoạn thấy ở Khòn Lằn, Nà Chương, Khòn Pho, ĐN Nà Pan, Nam Khuổi Khúc. Sở dĩ có hiện tượng này là do ảnh hưởng của hoạt động tân kiến tạo. Rất có thể đây là các vòm nâng nhỏ mang tính địa phương, có lẽ liên quan với đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên mà hiện nay đang hoạt động. Ngoài ra, cần phải kể đến các tác động của các hoạt động kinh tế - công trình của con người, góp phần thúc đẩy quá trình xói lở - bồi tụ.