Dân số đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay đạt trên 18 triệu người, trong đó có khoảng 78,85% dân số sinh sống ở vùng nông thôn(1) . Với đặc điểm dân số đông và trẻ nên có nguồn lao động phong phú, dồi dào, đặc điểm này là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng. Phần lớn người lao động vùng ĐBSCL tập trung ở vùng nông thôn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, do nền sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ nên đã dẫn đến vấn đề dư thừa. | Dân số luôn đóng vai trò hai mặt trong sự phát triển. Một mặt dân số là nguồn cung cấp lao động cho xã hội. Mặt khác họ chính là người tiêu dùng sản phẩm do chính con người tạo ra. Dân số và kinh tế là hai quá trình có tác động qua lại mạnh mẽ và có quan hệ mật thiết với nhau. Muốn tăng trưởng kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người và phải là con người có sức khỏe và trí tuệ. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi chất lượng dân số được nâng cao, quy mô, tốc độ tăng trưởng, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm kinh tế ở địa phương. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt công tác dân số để giảm mức sinh, hướng đến chất lượng nguồn nhân lực, ổn định quy mô dân số là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Vì thế, Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu, là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.