NGHĨ: Bài học từ con trẻ

Trẻ con không mưu cầu gì, trẻ con không nhân danh ai. Học tập cái nhìn xanh tươi của trẻ con để mỗi ngày luôn mới mẻ và lương thiện! | NGHĨ: Bài học từ con trẻ Trẻ con không mưu cầu gì, trẻ con không nhân danh ai. Học tập cái nhìn xanh tươi của trẻ con để mỗi ngày luôn mới mẻ và lương thiện! Chẳng biết đùa hay thật, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể có lần anh bị một cậu bé ở Hải Dương giáng cho một lưỡi tầm sét. Khi nghe giới thiệu người đàn ông trung niên đứng trước mặt là thần đồng thơ Việt dạo nào, cậu bé ấy nói luôn: “Ai chứ bác Khoa thì con biết. Bác chuyên làm thơ con cóc. Bác có bài thơ y hệt bài Con cóc, đó là bài Con bướm vàng. Kia là con cóc từ xa đến, nó ngồi đấy rồi nhảy đi. Đây là con bướm vàng, nó cũng từ xa đến, rồi bay đi. Nghĩa là chẳng có gì khác nhau cả, chỉ khác là bác đã cho con cóc đôi cánh của con bướm và bác cứ tưởng nó là con bướm. Thật tình nó chỉ là con cóc thôi ”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa rút ra bài học: “Lúc 8 tuổi như nó, tôi chỉ làm được những câu thơ ngớ ngẩn, chứ đâu đã có được những ý kiến riêng, đặc biệt là ý kiến khác mọi người!”. Tôi cũng có cảm giác giống như Trần Đăng Khoa khi đọc thơ Mattie, một thần đồng nước Mỹ. Mattie mắc bệnh hiểm nghèo, tác phẩm của cậu bé không chỉ chứng minh một nghị lực sống phi thường mà còn khẳng định một tài năng độc đáo. Mở đầu tập Khúc hát trái tim, Mattie viết: “Cuốn sách này dành tặng những ai tin rằng cần phải biết ơn mỗi ngày qua như một món quà của cuộc sống”. Cuộc đời Mattie thật ngắn ngủi, đã từ giã nhân gian lúc chưa đầy 14 tuổi, nhưng cậu bé nghĩ về mẹ “những khi tôi đau hoặc buồn, thì mẹ cũng rất buồn hoặc rất đau”, và nhận ra sự cao thượng từ một chú chó nhỏ “hãy luôn tha thứ cho sự lãng quên, nhưng đừng bao giờ quên tha thứ”. Có thể thần đồng thơ Việt – Trần Đăng Khoa hay thần đồng thơ Mỹ – Mattie là vài trường hợp hi hữu, nhưng không thể che lấp được thực tế trẻ con đang ngày càng thông minh hơn. Mặt khác, nếu chịu khó quan sát thì từ sự hồn nhiên và trong trẻo của trẻ con sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cái giật mình thú vị. Đứa cháu gái của tôi sống ở Hong Kong, nghỉ hè được về VN chơi. Tôi dắt cháu đi dạo ở trung tâm Sài Gòn và mua cho mấy cái kẹo. Khi bỏ viên kẹo vào miệng rồi, cháu cứ cầm mãi cái vỏ kẹo. Tôi giục quăng đi, cháu nhìn quanh rồi phụng phịu: “Không thấy thùng rác nào gần đây đâu, cậu ạ!”. Cứ thế, cháu nắm chặt cái vỏ kẹo trong tay cho đến khi tìm được thùng rác thì bàn tay đã ướt đẫm mồ hôi. Ở nước ta, hình như các lớp mẫu giáo cũng dạy thiếu nhi giữ gìn vệ sinh công cộng, nhưng người lớn xả rác bừa bãi thì trẻ con làm sao noi gương? Về nhà, tôi khen đứa cháu gái 6 tuổi ngay trước mặt đứa cháu trai 7 tuổi: “Bé là thần tượng của cậu về ý thức bảo vệ môi trường!”. Không ngờ thằng cháu không được khen nên giận, không thèm nói chuyện với tôi suốt cả buổi chiều. Sáng hôm sau, thằng cháu vừa gặp tôi đã nhe răng cười: “Cháu không ghét chú nữa!”. Tôi hỏi tại sao, không ganh tị nữa à? Thằng cháu lắc đầu: “Ghét chú làm đêm qua cháu khó ngủ quá. Ghét người ta thì mình cũng mệt lắm. Từ nay cháu không ghét ai nữa ”. Thú thật tôi không thể ngờ lại nhận được hai bài học thấm thía nơi hai đứa cháu nhỏ dại. Tuổi tác ngày một nhiều, tôi càng thấy trẻ con là một thế giới vô cùng đáng trân trọng. Chúng ta thường tự hào đã làm điều này điều nọ cho thiếu nhi, nhưng ít chịu thừa nhận rằng trẻ con cũng giúp người lớn sống tốt đẹp thêm. Trẻ con không mưu cầu gì, trẻ con không nhân danh ai, nên những lời con trẻ thật chân thành. Tôi tự nhủ hãy học tập cái nhìn xanh tươi của trẻ con để mỗi ngày luôn mới mẻ và lương thiện! Người lớn dạy dỗ cho trẻ con trưởng thành, mà có khi người lớn cũng học được những bài học của trẻ con!

Bấm vào đây để xem trước nội dung
TỪ KHÓA LIÊN QUAN
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.