Việt Nam là một nước nhiệt đới, khí hậu nhiệt đới gió mùa và một số nước ở vùng nước ta lại mang sắc thái riêng rất đa dạng của khí hậu và thổ nhưỡng nên thực vật nói chung, cây xoài nói riêng ở nước ta rất đa dạng và phong phú. | Nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm trái cây nói chung và xoài nói riêng đang hướng tới chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, người trồng xoài đang lộ rõ những nhược điểm trong quá trình tổ chức sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, lưu thông phân phối. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng của người sản xuất còn có những bất cập, nhất là đối với những trường hợp vốn đã quen với kiểu làm ăn cũ. Thách thức lớn mà trái xoài Việt Nam phải đối mặt đó là thực hiện các luật, các hiệp định và các cam kết của Việt Nam với WTO. Trong các hiệp định, cam kết, hiệp định SPS (Hiệp định Vệ sinh dịch tễ kiểm dịch động, thực vật) được các thành viên của WTO đưa ra nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Chứng chỉ GAP là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá uy tín cho trái xoài tham gia thị trường. Người trồng xoài phải chứng minh cho người tiêu dùng biết được trái xoài của họ được trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, cách thu hái, cách bảo quản ra sao, theo qui trình nào ? Chu trình nông nghiệp an toàn GAP là một bộ hồ sơ trình bày “công nghệ” sản xuất của nông trại vừa là bộ hồ sơ ghi chép chi tiết những hoạt động của nông trại đó. Đây là một chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ đầu đến cuối của quá trình sản xuất hàng hóa, bao gồm từ khâu thiết kế vườn trồng, chuẩn bị đất, giống trồng, các biện pháp kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, thu hái, bảo quản xoài. Tin rằng trái xoài Việt Nam sẽ đạt được tiêu chuẩn chất lượng đề ra để nâng cao uy tín và xuất khẩu ra thị trường thế giới đem lại hiệu quả kinh tế cao.