Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với việc lập di chúc bằng văn bản mà mẹ bạn không tự viết được, thì theo quy định tại Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2005, mẹ bạn có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Như vậy, di chúc mẹ bạn lập nếu đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành sẽ không hợp pháp vì thiếu người làm chứng. | Hỏi: Năm 1993, mẹ tôi lập di chúc (có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường) để lại toàn bộ ngôi nhà (là tài sản riêng của mẹ) cho một người chị gái của tôi. Lúc lập di chúc, do mẹ không biết chữ nên người khác soạn thảo và đọc lại di chúc cho mẹ nghe. Mẹ điểm chỉ vào di chúc trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Xin hỏi di chúc mẹ tôi lập như vậy có hợp pháp không? Mẹ tôi mất năm 2009, những người con còn lại có quyền kiện hủy tờ di chúc nói trên được không? (tranthiquy@. ) Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với việc lập di chúc bằng văn bản mà mẹ bạn không tự viết được, thì theo quy định tại Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2005, mẹ bạn có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Như vậy, di chúc mẹ bạn lập nếu đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành sẽ không hợp pháp vì thiếu người làm chứng. Tuy nhiên vì thời điểm mẹ bạn lập di chúc là năm 1993 - là thời điểm Bộ luật dân sự 2005 chưa được ban hành và có hiệu lực. Trong trường hợp của bạn, việc lập di chúc được điều chỉnh bởi Pháp lệnh thừa kế năm 1990. Khoản 3 Điều 14 Pháp lệnh thừa kế quy định đối với trường hợp di chúc viết được cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân chứng thực như sau: “Trong trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được, thì phải nhờ người chứng kiến. Người chứng kiến đọc bản di chúc cho người lập di chúc nghe và ký vào bản di chúc trước sự có mặt của người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.’’ Theo quy định trên và đối chiếu với thông tin bạn cung cấp thì trong trường hợp này, mẹ bạn tuy không đọc bản di chúc được vì không biết chữ nhưng lại điểm chỉ được nên không bắt buộc phải có người chứng kiến. Di chúc nhờ người khác viết và đã đọc lại cho mẹ bạn nghe và mẹ bạn đã điểm chỉ vào di chúc trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương nên di chúc được coi là thể hiện ý chí, nguyện vọng của mẹ bạn sau khi qua đời. Nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội và hình thức phù hợp với sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành vào thời điểm đó. Do đó, di chúc mà mẹ bạn lập là hợp pháp. Vì di chúc mẹ bạn lập là hợp pháp và đã phát sinh hiệu lực (kể từ thời điểm người để lại di sản qua đời) nên những người con còn lại của mẹ bạn không có quyền kiện hủy tờ di chúc nói trên. Ths. Ls NGUYỄN VĂN PHƯỚC (Văn phòng luật sư Huế, )