Trong những năm gần đây, nền giáo dục Việt Nam đứng trước tình trạng đáng lo ngại về việc thí sinh đăng ký vào các ngành khoa học xã hội có xu hướng ngày càng giảm. | TÌM HƯỚNG ĐI CHO CÁC NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN Trong những năm gần đây, nền giáo dục Việt Nam đứng trước tình trạng đáng lo ngại về việc thí sinh đăng ký vào các ngành khoa học xã hội có xu hướng ngày càng giảm. Với sự tham gia của các trường Đại học, Cao đẳng có các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Hội nghị nghiên cứu khoa học “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành KHXH&NV” đã được trường Đại học Văn Hiến tổ chức vào ngày 30/3/2011 tại khách sạn Hoa Mai (75 Hoàng Văn Thụ, phường 5, Nhuận - Tp. Hồ Chí Minh). Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các giáo sư, tiến sĩ trong ngành và các ngành có liên quan. Thực trạng Theo số liệu thống kê của Sở Giáo Dục và Đào Tạo Hà Nội năm 2010, thí sinh nộp hồ sơ dự thi khối A chiếm tới 55,4%, khối D chiếm 21,5%, khối B chiếm 13,81%, trong khi đó số lượng thí sinh nộp vào khối C chỉ có 5,2%. Như vậy, việc thí sinh đăng kí dự thi vào khối C là quá ít so với mặt bằng chung của các khối và các ngành đào tạo. Tình trạng chung này diễn ra ở tất cả các trường công lập và ngoài công lập. Trường Đại KHXH&NV được xem là một trong những ngôi trường dẫn đầu về đào tạo nhóm ngành KHXH&NV nhưng trong những năm gần đây, số lượng đăng ký các ngành: Văn, sử, địa, triết, văn hóa học, xã hội học giảm số lượng sinh viên đáng kể và phải xét tuyển theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mới đủ chỉ tiêu. Tương tự, ở trường Đại học Sư phạm , số lượng thí sinh thi vào trường khá đông nhưng nhóm ngành KHXH&NV cũng trong tình trạng thiếu sinh viên. Đối với một số trường ngoài công lập như: Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Hùng Vương tuy điểm xét tuyển thấp nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Thậm chí, có những ngành KHXH&NV phải tạm thời ngưng hoạt động vì quá ít thí sinh như: Văn hóa học, Việt Nam học ở trường Đại học Văn Hiến. Thực trạng mất cân đối giữa các ngành KHXH&NV với các ngành Khoa học Tự nhiên tạo ra sự chênh lệch trong cơ cấu lực lượng lao động trước mắt và lâu dài. Nguyên nhân Theo Tiến sĩ Trần Tuấn Lộ, trưởng khoa Tâm lý học của trường ĐH Văn Hiến, thực trạng trên là điều tất yếu của thời đại khi vấn đề kinh tế được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, cách học các ngành xã hội còn mang tính lý thuyết tư tưởng, ít ứng dụng thực tế Cùng với quan điểm trên, Nghệ sĩ ưu tú Trần Chút, phó hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến, phát biểu thêm nguyên nhân một phần do sự hạch định chính sách khoa học của Đảng và Nhà nước:“Ngót nửa thế kỷ nay, chính sách chung của Đảng và Nhà nước coi cách mạng khoa học kĩ thuật là then chốt, cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học là công nghệ quốc sách hàng đầu trong tư tưởng chính sách vừa nêu, khoa chỉ được hiểu là Khoa học Tự nhiên, KHXH&NV như không được tính đến ”, một phần nữa là do sự tác động của xã hội đối với việc chọn ngành: do cha mẹ, xu hướng của xã hội Biện pháp khắc phục Hội nghị cũng đã bàn và đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để nhằm đưa thực trạng giáo dục về trạng thái cân bằng. Thay vì bị động như trước, các trường nên chủ động tìm đến với người học, quảng bá tiếp cận với các thí sinh để thí sinh hiểu rõ hơn về các ngành KHXH&NV. Các trường đại học cũng nên tổ chức những cuộc “Tư vấn mùa thi”, các buổi tư vấn tiền tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cũng như thay đổi phương pháp học ngay từ thời phổ thông để giúp học sinh có một cái nhìn khác về các ngành KHXH&NV. Với những giải pháp trên, hy vọng nền giáo dục Việt Nam sẽ có sự thay đổi theo nhiều xu hướng tích cực.