Đề cương bài giảng: Chủ nghĩa xã hội khoa học giúp người học nắm vững kiến thức về đối tượng nghiên cứu của CNXHKH, phân biệt đối tượng của CNXHKH với Triết học Mác - Lênin, kinh tế học chính trị Mác - Lênin, hiểu được chức năng, nhiệm vụ và ý nghĩa của việc nghiên cứu CNXHKH trong công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay. | Ngôn ngữ là tiêu chí cơ bản để phân biệt các tộc người khác nhau (bao gồm ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, hoặc chỉ riêng ngôn ngữ nói). Như là một nguyên tắc, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp và gắn kết tất cả các thành viên trong một cộng đồng tộc người thống nhất, nhờ có ngôn ngữ mà văn hoá tộc người được bảo tồn và phát triển. Nhưng điều đó không có nghĩa trên thế giới có bao nhiêu ngôn ngữ thì có bấy nhiêu tộc người. Trên thực tế cho thấy nhiều tộc người tự coi mình là những tộc người riêng biệt, lại nói cùng một ngôn ngữ với những tộc người khác. Vấn đề xem xét tiêu chí ngôn ngữ của mỗi dân tộc cần phải được cụ thể: có dân tộc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp chung, cũng có dân tộc dùng ngôn ngữ của các dân tộc khác như tiếng mẹ đẻ hoặc sử dụng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ. Như vậy là trên thế giới tồn tại nhiều ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ không phải chỉ cho một tộc người mà là cho nhiều nhóm tộc người. Ranh giới của sự phân chia các tộc người riêng biệt và sự phân bố các ngôn ngữ không phải bao giờ cũng trùng hợp. Vì vậy, dù ngôn ngữ là tiêu chí rất quan trọng để xác định một tộc người, nhưng không thể cho rằng nó là dấu hiệu đặc trưng duy nhất.