Đánh giá liên ngành các chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên nước là một trong các nội dung cơ bản của dự án quốc gia bảo tồn và sử dụng hữu ích các vùng đất ngập nước (ĐNN). Cho đến nay, hệ thống luật, nghị định hướng dẫn của Chính phủ, các quyết định của Chính phủ, quyết định của các Bộ chuyên ngành, thông tư liên Bộ liên quan đến tài nguyên nước là tương đối nhiều, tuy nhiên chưa có sự liên kết một cách “tổng hợp” | Tài nguyên nước của Việt Nam là hữu hạn và phần lớn bắt nguồn từ các nước xung quanh. Do sự biến đổi của tự nhiên và tác động tiêu cực của các hoạt động kinh tế thiếu quản lý, xu hướng suy giảm tài nguyên nước cả về chất lượng và số lượng đã xuất hiện. Nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế ngày một tăng nhanh. Để phát triển các ngành kinh tế xã hội một cách hiệu quả trong thời gian tới, cần phải thực hiện sự phát triển tài nguyên nước và chiến lược quản lý nước thông qua quản lý lưu vực sông. Điều này có thể bảo đảm sự phát triển bền vững không chỉ đối với ngành nước mà còn cho các ngành kinh tế - xã hội khác nữa. Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ tới, dân số nước ta sẽ tăng lên, nền kinh tế bước sang giai đoạn mới theo hướng đa dạng hóa sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nước cho các ngành kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước sẽ phải được hoàn thiện hơn cả về chủ trương chính sách cũng như thể chế, tổ chức. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các chính sách về quản lý tài nguyên nước dường như độc lập với hoạt động quản lý các vùng ĐNN. Các nghiên cứu đánh giá trong báo cáo sẽ đóng góp một phần vào việc nâng cao hiệu lực của hệ thống chính sách và cơ cấu tổ chức QLTHTNN phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.