Còn bao lâu nữa bạn có thể nghe câu Vọng Cổ trên đất Mỹ? Tôi đã nghe tiếng thở dài của một bạn trẻ trong trại họp bạn trong vùng Louisville, Kentucky, cách đây vài năm. Tôi đã nghe tiếng kêu thống thiết của nghệ sĩ lão thành Việt Hùng, Mission Viejo, California. Tôi cũng đã nghe tiếng vọng từ tâm thức tôi trong nhiều năm qua về âm điệu dân tộc có còn trong chúng ta như ngày nào đó không. | Sự bùng nổ của phong trào canh tân theo Tây học và sự có mặt của người Pháp trên đất nước ta vào thời thuộc địa đưa đến việc làm quen với nhạc Tây ở các tỉnh, thành. Vì thế khoảng năm 1920 trở đi diễn ra tình trạng nhạc Tây hát lời ta. Tiếp theo tự sáng tác nhạc theo phong cách tây phương và hát lời Việt gọi là nhạc cải cách, dần dà về sau gọi là tân nhạc, nhạc mới, hoặc gần đây hơn có người gọi là ca khúc 1. Trước tình huống trên, người ta bắt đầu phân chia ranh giới "cũ" (cổ) và "mới" (tân). Vì thế, đờn ca tài tử, ca huế, ca trù, hay các loại nghệ thuật truyền thống dân tộc được gán cho danh từ cổ mà hằng nghìn năm trước đây chưa từng có. Nếu nhận xét sâu xa hơn, chúng ta thấy đây là một hiện tượng quan trọng trong âm nhạc Việt Nam. Không những chỉ là việc phân biệt cũ và mới, mà còn là một đấu tranh giữa hai khuynh hướng làm nhạc khác nhau. Kẻ theo mới tự cho mình là tiến bộ theo trào lưu thế giới, người theo cũ cảm thấy bị thiệt thòi, mất mát, và thậm chí bị khinh chê là lỗi thời. Theo mới cũng có thể đồng nghĩa với lai căng, theo tây; bảo vệ cái cũ có thể bị xem là lạc hậu, dậm chân tại chỗ. Đây là vấn đề bàn cải rất nhiều trong giới Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology) khi phải định nghiã thế nào là tân nhạc (hay nhạc lai căn hay lai văn-hoá--accultured music) đối trọng với nền nhạc truyền thống lâu đời trong một quốc gia.