Việt Nam có truyền thống lâu đời trong các hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Ngành thuỷ sản đóng góp hơn 3% GDP trong hơn mười năm qua và được xem là một trong những ngành có bước trưởng thành nhanh chóng nhất trong thập kỷ vừa rồi. Hiện nay, ngành thuỷ sản đang không ngừng tăng trưởng cả về số lượng và chất luợng. Ngoài ra, ngành thủy sản đang là ngành có thế mạnh về xuất khẩu mang về một lượng ngoại tệ lớn cho Việt Nam | Điều quan trọng đối với ngành thuỷ sản hiện nay, ngoài việc tập trung khai thác chiều sâu tại các thị trường lớn (EU, Mỹ ), cần phải tiến hành nghiên cứu, đầu tư xúc tiến thương mại phát triển các thị trường mới (như: tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham gia hội chợ quốc tế, quảng cáo, nhiều hoạt động tìm hiểu và khai phá) để giảm thiểu những tác động xấu do quá lệ thuộc vào một hoặc vài thị trường khi có biến động. Bộ Thương mại hỗ trợ trực tiếp một phần chi phí tham gia hội chợ quốc tế và xây dựng các trang web trực tiếp cho các doanh nghiệp thuỷ sản thông qua Hiệp hội chế biến thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cần phải quan tâm hơn đến việc phát triển các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Australia, Canada, thị trường các nước thành viên EU trong đó có các thị trường truyền thống (Đức, Tây Ban Nha, các nước Đông Âu mới gia nhập); mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước SNG, Trung Đông, châu Phi ; nâng cao và phục hồi thị phần tại các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông. Một mặt, tích cực đa dạng hóa sản phẩm nhằm giảm bớt tỷ trọng sản phẩm tôm, tăng tỷ trọng các mặt hàng cá trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Đối với mặt hàng tôm cũng cần phải tiến hành đa dạng hóa các loài tôm, tăng nhanh sản phẩm có giá trị gia tăng và sản phẩm chế biến ăn liền từ tôm. Chỉ khi đa dạng hóa được thị trường; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng tốt những nhu cầu khác nhau của khách hàng, ngành thuỷ sản mới có thể phát triển bền vững; kế hoạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2010 đã đặt ra mới có thể trở thành hiện thực.