Bây giờ, chẳng phải lặn lội lên tận vùng núi cao mới được thưởng thức món thịt trâu gác bếp của người Thái đen, mà chỉ cần lướt qua một số quán bia chốn Hà Thành, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những băng-rôn giới thiệu món ăn độc đáo này. Thế nhưng, hương vị thịt trâu gác bếp của một lần được thưởng thức món ăn này nơi miền sơn cước cứ mãi “ám ảnh” tôi. | Một lần ăn thịt trâu gác bếp Bây giờ, chẳng phải lặn lội lên tận vùng núi cao mới được thưởng thức món thịt trâu gác bếp của người Thái đen, mà chỉ cần lướt qua một số quán bia chốn Hà Thành, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những băng-rôn giới thiệu món ăn độc đáo này. Thế nhưng, hương vị thịt trâu gác bếp của một lần được thưởng thức món ăn này nơi miền sơn cước cứ mãi “ám ảnh” tôi. Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Các kỹ thuật chế biến đều là bí quyết gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn nhìn thấy rất rõ trên từng miếng thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng. Khi ăn, món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được trong thời gian khá dài (khoảng một tháng). Còn nhớ buổi chiều hôm đó, chúng tôi dừng chân xin nghỉ lại qua đêm tại gia đình của người Thái đen ở Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái. Bữa tối, bà chủ nhà đon đả mời khách món đặc sản của xứ mình – thịt trâu gác bếp nhắm với rượu ngô. Loại “mĩ tửu” này thì chúng tôi từng được thưởng thức khá nhiều, duy chỉ có thịt trâu gác bếp là mới chỉ biết qua sách, báo. Thoạt đầu, nhìn miếng thịt đen ngòm, quyện mùi khói, chúng tôi ai nấy đều “ngại” nếm thử bởi ai cũng nghi ngờ “công nghệ” chế biến của bà con nơi vùng sâu, vùng xa với cái món thịt được gác bếp cả tháng trời như thế. Nhưng, trước sự nhiệt tình của gia chủ, chúng tôi không nỡ chối từ. Thôi thì đành nhắm mắt mà ăn vậy! Thế nhưng, khi ăn miếng đầu tiên, vị thơm ngọt, cay cay nơi đầu lưỡi ngay lập tức làm chúng tôi khoái khẩu. Thêm chất “xúc tác” là rượu ngô, chẳng mấy chốc hai người khách cùng gia chủ đã "xơi" hết đĩa thịt trâu to bự. Về thành phố, thi thoảng thèm ăn thịt trâu gác bếp, chúng tôi lại tìm đến mấy quán bia hơi cạnh cơ quan. Nhưng chẳng chỗ nào chúng tôi tìm được cái hương vị “nguyên bản” của buổi ban đầu thưởng thức món ăn độc đáo ấy. Có lẽ chúng tôi nhớ mãi, không chỉ bởi hương vị đặc trưng, mà còn có cả tình người của bà con vùng cao ấy hòa quyện trong đó.