Dân tộc nhạc học là gì? Đối với người Tây Phương, bộ môn học này cũng chưa thu hút đông người như môn nhạc học (musicology). Dân tộc nhạc học (Ethnomusicologie / Pháp, Ethnomusicology / Anh-Mỹ, Musikethnologie / Đức) có thể nói là một bộ môn nghiên cứu âm nhạc hoàn toàn mới lạ đối với Việt Nam. Bộ môn này khởi thủy từ thế kỷ thứ 19, tượng hình từ đầu thế kỷ thứ 20 và phát triển mạnh ở các quốc gia Tây phương từ sau thế chiến thứ hai (1939-1945) | Đà tiến triển của dân tộc nhạc học không cho phép nhà học giả chỉ nghiên cứu nhạc qua sách vở như xưa nữa, mà giờđây nhà nhạc học gia phải đi nghiên cứu tại chỗ, làm quen với các loại máy thu thanh (từ máy lớn chuyên nghiệp như NAGRA, STELLAVOX đến các loại máy thu thanh (từ loại máy cassette như SONY, UHER đến các máy Walkman Professional, hay cận đại nhứt như loại máy thu thanh cassette DAT chỉ thu bằng số. DAT có nghĩa là"digital audio tape" một loại máy thu thanh tốt và tối tân trong thập niên 90 do hãng SONY, và CASIO của Nhựt chế rạ Gần đây có máy thu thanh Minidisc của hãng SONY loại thu bằng số như DAT. Người đi nghiên cứu còn phải biết chụp hình, quay phim loại 16ly, hay sử dụng các loại máy quay phim video 8mm hay Hi 8 hay Super VHS, hay loại máy video Digital Handycam của Sony với thu hình bằng số. Ngoài ra phải biết rõ tường tận loại nhạc mình nghiên cứu để tránh tách cách quá chủ quan khi phân tách, đồng thời phải hiểu sơ qua các loại nhạc của mấy xứ láng giềng để có thể đối chiếu, phải biết dân tộc học, ngữ học, xã hội học, âm nhạc học, sử địa, tâm lý học. Rồi lại còn phải thông thạo Anh ngữ, Pháp ngữ, và Đức ngữ để có thể đọc sách báo chuyên môn hầu theo dõi những công trình nghiên cứu trên thế giới. Và cần hơn nữa là phải hiểu thổ ngữ của vùng mình nghiên cứu.