Mỗi khi tết đến, xuân về, mai vàng nở rộ, đội hát sắc bùa làng Lệ Trạch, nay gọi là Lệ Bắc, thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại cất tiếng hát, giữa tiếng trống vỗ, hòa cùng âm điệu rộn ràng từ các bộ sinh tiền, bộ phách tre. đem lại không khí sôi nổi, đông vui. Còn trẻ em thì cứ bu quanh, kéo thành rồng, thành rắn, lố nhố giữa đêm xuân đèn đuốc sáng trưng khắp mọi nẻo đường. Đó là hình ảnh quen thuộc ở làng Lệ Trạch hơn hai mươi. | Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha tạp với pháp thuật đạo giáo chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm ở hầu hết các tỉnh từ Bắc vào Nam. Riêng ở làng Lệ Trạch, một làng quê nghèo khó nằm ven sông Thu Bồn, theo ước tính, hát sắc bùa hình thành muộn nhất cũng vào đầu thế kỷ XIX. Một nghệ sĩ chân đất hát sắc bùa có tiếng của làng, ông Trương Tích, năm nay đã 74 tuổi, cho biết đời ông cố của ông, tức ông Trương Văn Hiếu Đã hát rồi. Thời ấy, dàn nhạc của đội hát sắc bùa ngoài trống cơm còn có trống sấm, đờn cò, kèn tiểu và bộ phách tre. Do nhạc cụ khá cồng kềnh nên hễ đội vào nhà nào nhà nấy đều đem chiếc chiếu đã chuẩn bị sẵn trải ra ngay giữa nhà để mọi người ngồi quanh vừa chơi nhạc vừa hát. Những bài hát sắc bùa xưa thường có nhiều từ cổ, từ Hán việt, Hán Nôm không phải dễ hiểu đối với mọi người. Thế nhưng chuyện ấy chẳng quan trọng. Chủ yếu người hát có hay hay không mới thành vấn đề. Hát sắc bùa thường phải tuân theo hệ thống các tiết mục, làn điệu. Đầu tiên đến ngõ hát bài mở ngõ :