Hơn nửa thế kỷ, với lịch sử chỉ là chặng đường ngắn, song bằng ấy thời gian mà nghệ thuật tuồng đã đạt được những thành tích như hiện nay thì thật là đáng kể. Tuồng không chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà còn là một di sản văn hoá quý báu luôn được coi trọng, được tạo mọi điều kiện để giữ gìn và phát triển. Nghệ thuật tuồng đã mạnh dạn từng bước loại trừ bảo thủ, gạn lọc tinh hoa, không ngừng nâng cao về mọi mặt để cùng hoà nhập, góp phần vào công. | Chúng ta thử ngoảnh nhìn về quá khứ để thẩm định đúng về nghệ thuật tuồng truyền thống cung đình. Điểm nổi bật của tuồng cung đình là một loại tuồng cổ, mẫu, luôn gắn với chủ đề quân quốc, đề cao việc giữ nước, sự mất còn của xã tắc giang sơn, tôn vinh trung nghĩa, ngợi ca bảo vệ nền tảng đạo lý kỷ cương của xã hội phong kiến "Quân xử thân tử, thần bất tử bất trung", thờ vua là thờ nước, thờ nước chính là thương dân, vua còn nước còn, nước còn dân yên, vua mất là nước mất, nước mất là dân suy. Cũng chính vì vậy mà ở tuồng cung đình tuyệt nhiên không có những vở nói về cuộc sống dân gian (tuồng đồ). Các nhân vật chính diện của tuồng cung đình, không chỉ biểu hiện cái đạo trung quân, vua và nước không thể là hai, trung với vua là ngay với nước, mà nhân vật trung tâm của tuồng cổ còn luôn giáo dục cho người xem một đạo lý lớn nhất đó là lòng yêu nước, xả thân vì nghĩa. Nghĩa nước non, chúa tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn trong hầu hết các vở tuồng đều được thể hiện bằng những hành động cứu nước, gác cái riêng để vì cái chung, phất cao cờ đại nghĩa. Đó chính là cái nghĩa mà ở sân khấu tuồng cung đình luôn luôn thăng hoa bằng những hình tượng nghệ thuật tuyệt vời nhất. Nghệ thuật tuồng cổ nói chung, cung đình nói riêng là tuồng thầy, mẫu mực, được xây dựng với mục đích cao đẹp như vậy đã và đang mãi mãi được ngành tuồng, trước cũng như nay bảo tồn phát triển.