Lượn thường được hiểu theo hai nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa rộng, lượn chỉ toàn bộ kho tàng dân ca người Tày, bao gồm cả then (lượn then), hát đám cưới (lượn quan làng), phuốc pác (lượn phuốc pác) và phong slư (lượn phong slư). Theo nghĩa hẹp, lượn chỉ là những điệu hát giao duyên của người Tày mà thôi. Cả hai cách hiểu đều có lí, song có lẽ phổ biến hơn cả là cách gọi tên lượn theo nghĩa hẹp, tức là bộ phận hát giao duyên đối đáp của người Tày. . | Lượn của người Tày gồm 3 loại: lượn cọi, lượn slương và lượn Nàng hai. Nếu như lượn cọi và lượn Nàng hai có địa bàn chính ở phía Tây Việt Bắc thì lượn slương lưu hành ở địa bàn Lạng Sơn là chính. Vì thế, lượn có khi còn được gọi là lượn lạng. Khác với lượn cọi là loại lượn sử dụng vần lưng để kéo dài khổ thơ, lượn slương chỉ dùng loại thất ngôn tứ tuyệt vào cuộc lượn, sau những bài mời của chủ bản, khi vào cuộc, chỉ có một đôi trai gái hát đối đáp với nhau, các bài hát đều hoặc nhập tâm, hoặc ứng khẩu chứ không phải có thầy dẫn như lượn cọi. Lượn slương thường được tổ chức vào ngày hội lồng tổng mùa xuân, hay vào những đêm trăng sáng trong dịp nông nhàn. Theo những tài liệu sưu tầm được, sơ bộ có thể chia lượn slương thành 3 phần: Lượn đi đường, lượn sử và lượn chúc mừng. Trong đó phần lượn chúc mừng không phải là hát giao duyên, chỉ là lời cảm tạ của người lượn đối với gia chủ nên nó có tính chất gắn kết khá lỏng lẻo với cuộc lượn. Phần lượn sử với một thời gian khá lớn dành cho việc lượn về các truyện cổ dân gian của người Tày và các tích truyện có nguồn gốc Trung Quốc thể hiện chiều sâu của cuộc lượn slương khi tình cảm của người hát đã hết sức sâu nặng. Nhưng chính vì tính chất và nội dung của nó, lượn sử không có sức thu hút mạnh đối với người nghe. Còn phần lượn đi đường là phần chứa đựng nhiều tình huống bất ngờ nhất. Về mặt hình thức, đó là phút ban đầu thăm dò, tìm hiểu, làm quen, dỗi hờn, trách móc. Về mặt nội dung, tình cảm được diễn tả ở đây từ nỗi nhớ thương kín đáo, e ấp đến sâu sắc, mạnh bạo. Phần này rất được người nghe yêu thích và đây chính là phần trọng tâm của một cuộc lượn slương. Không có một cuộc lượn slương nào thiếu phần này dù cho hai phần kia có thể không lượn đến.