Ca Huế là một bộ phận nằm trong tổng thể âm nhạc Huế gồm nhiều loại hình khác nhau : Nhạc cung đình, nhạc dân gian, nhạc lễ, nhạc tôn giáo, nhạc thính phòng phổ biến ở Huế và vùng chung quanh. | GS. TSKH Tô Ngọc Thanh nhận xét thêm một tính chất nữa của ca Huế : "Đặc biệt là ở Huế, nơi từng là căn cứ của họ Nguyễn nhiều thế kỷ và là kinh đô của triều Nguyễn trong hơn một thế kỷ (1802-1945) xuất hiện những loại hình âm nhạc có liên hệ với âm nhạc cung đình và phần nào đã mang tính chất âm nhạc thành thị, thị dân. Điển hình là chương trình ca Huế. Mặc dù ca Huê' không phải là loại âm nhạc cung đình, song nó là thứ âm nhạc trình diễn, là một sinh hoạt nghệ thuật thực sự. Nó không còn gắn với các hoạt động thực dụng trong đời sống hàng ngày. Để chiếm ảnh và biểu diễn nó, cần phải có tài năng của các nghệ nhân. Cùng với ca Huế, dàn nhạc thính phòng Huế hình thành và phát triển trong các thế kỷ XVIII, XIX. Dàn nhạc có cả một biểu mục chương trình rất phong phú về bài bản, giàu có về sắc thái, tình cảm, đặc sắc về phong cách. Nhà nghiên cứu âm nhạc có thể tìm thấy trong dân ca, nhạc thính phòng và ca Huế những nét biến đổi của truyền thống âm nhạc Việt. Đây là sự tiếp thu có chọn lọc những đặc trưng âm nhạc của các dân tộc bản địa, cộng với sự thích nghi hoà hợp của âm nhạc Việt với những yếu tố mới, khiến cho nó phong phú đa dạng hơn. Sự giao lưu của hai văn hoá khác nhau để tạo ra một văn hoá thứ ba, trong đó bao gồm sự hoà hợp nhuần nhuyễn của cả hai, như âm nhạc Huế, Trị Thiên, ngày nay khoa học gọi là tiếp biến văn hoá (accultaration)"(2).