thí sinh cần ghi nhớ điều đầu tiên khi học Văn là bám sát sách giáo khoa, sau đó hãy bắt đầu bằng việc học văn bản, cảm thụ tác phẩm; sau nữa mới là bài giảng, sách tham khảo. Tuy nhiên, sách tham khảo cũng không là thuốc bổ, vì văn chương mỗi tác giả một cảm nhận, tùy cảm thụ, khía canh | Xác định đúng yêu cầu của đề, xác định dạng bài: nghị luận một tư tưởng đạo lý, nghị luận một hiện tượng đời sống hay nghị luận một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học để có cách trình bày phù hợp. Cái hay của văn nghị luận chính là ở hệ thống luận điểm chính xác, sâu sắc, cách lập luận chặt chẽ thuyết phục. Muốn vậy cần có luận cứ xác đáng. Luận cứ của văn nghị luận xã hội chính là những lẽ phải của cuộc sống và những bằng chứng trong lịch sử, trong thực tế, trong văn học. Nhưng bài văn nghị luận xã hội hay còn thể hiện ở nhiệt hứng và thái độ quan tâm sâu sắc đến vấn đề của người viết. Kiểu văn này không chỉ đòi hỏi kỹ năng lập luận mà còn là sự thể hiện vốn sống, ý thức quan tâm đến xã hội, bản lĩnh tư duy độc lập và một thế giới tâm hồn phong phú, nhạy cảm, chân thành. Những tấm gương trong cuộc sống, vừa là dẫn chứng thực tế, vừa gợi mở cho thí sinh những ý tưởng để lập luận trong văn nghị luận xã hội. Những tấm gương sống vì lý tưởng cao đẹp như: Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng.; những tấm gương sống giàu nghị lực không để tâm hồn lụi tàn như: Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, sinh viên kiến trúc xuất sắc là một thanh niên tàn tật Quang Quý, công dân trẻ tiêu biểu Lê Thanh Thúy, Nguyễn Bích Lan vượt lên bệnh tật trở thành một dịch giả trẻ tài năng, Trần Tôn Trung Sơn em bé khuyết tật bởi chất độc da cam vẫn nỗ lực học giỏi.; những tấm gương của lòng nhân ái như Nguyễn Hữu Ân. Bao giờ viết văn nghị luận xã hội cũng cần rút ra những bài học thiết thực cho mình và mọi người. Bài học phải được nêu ra từ suy nghĩ sâu sắc, chân thành, chứ không phải là những câu có tính chất khẩu hiệu rỗng tuếch.