Kể về một lần đi chợ quê

Tuổi thơ với mỗi người tựa như một câu chuyện dài bất tận mà mỗi khi nhớ lại ai cũng thấy bồi hồi. Tuổi thơ bao giờ cũng gắn với một kỉ niệm khó phai mờ. Kỉ niệm ấy như dòng sữa mát nuôi lớn tâm hồn của chúng ta. Với tôi, kỉ niệm ngày thơ ấu là một lần được đi chợ phiên với bà nội.

Tuổi thơ với tôi gắn với làng quê, nơi chôn dấu bao kỉ niệm đáng nhớ. Đến nay nhắc lại mà tôi thấy gần gũi như mới diễn ra ngày hôm qua. Hồi nhỏ, tôi vốn là một cô bé hiếu động nên thường bị mọi người gọi là “anh Hồng”. Nhưng đối với con bé cá tính như tôi thì điều đó không có nghĩa lí gì, ngược lại tôi thấy thú vị nữa. Không giống với các bạn gái trong xóm thích mặc những cái áo điệu đà, thích chơi đồ hàng, chơi trốn tìm hay đòi theo mẹ đi chợ, tôi chỉ thích ngồi xem ông chơi cờ, chơi bóng với bọn con trai... Nhưng một hôm bà rủ tôi đi chợ phiên, điều mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến.

Những ngày giáp Tết, quê tôi thường mở chợ phiên. Chợ trên huyện nên to lắm. Tôi vốn không thích đi chợ lại càng không thích những ngày đông người. Còn các bạn đều đòi mẹ, đòi bà cho đi nhất là những dịp chợ phiên. Thế là sáng hôm đó, lần đầu tiên tôi theo bà ra chợ. Vì đi chợ Tết nên phải đi từ sớm. Khi chú gà trống xuống chuồng, vỗ cánh phành phạch rồi cất lên tiếng gáy khàn khàn... bà tôi đã đánh thức tôi dậy. Mắt nhắm, mắt mở bước xuống giường tôi thấy trời đất vẫn còn tờ mờ tối. Lần đầu tiên, tôi dậy sớm hơn ông mặt trời. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, hai bà cháu lên đường. Tôi cứ ngỡ chỉ có tôi và bà dậy sớm nhưng từ bao giờ các bà các bác cũng đã í ới gọi nhau đến chợ phiên làm cho con đường đến chợ vui nhộn như ngày hội lớn.

Chợ phiên những ngày này mới nhộn nhịp làm sao. Nhìn đâu cũng thấy người mua bán. Bước chân vào chợ, tôi có cảm giác như lạc vào một xứ sở mới lạ. Hàng hoá xếp nhiều vô kể, nhiều loại nhìn thật lạ mắt. Bà dẫn tôi vào khu hàng bán các loại gia súc. Đây là nơi ồn ào và náo nhiệt nhất. Những âm thanh hoà lẫn vào nhau. Tiếng ủn ỉn của mấy anh heo bị nhốt trong chuồng. Mấy chị gà nhảy dựng lên bên trong những lồng tre. Những cô ngan, cô vịt nằm dài trên mặt đất. Có khách đến mua, chủ hàng lại mang ra giới thiệu làm các chị khó chịu lắm. Nhất là khi khách hàng lắc đầu không mua trông các chị đến tội. Qua hàng gia súc bà đưa tôi đến những quầy hàng khác: quầy bán rau, bán bánh kẹo, hoa quả và quầy bán quần áo... Có mấy cô bé đang thử những chiếc áo mới. Lần đầu tiên, tôi thấy những chiếc áo điệu đà ấy duyên dáng đến thế. Bà cũng mua cho tôi một chiếc để mặc Tết.

...Chợ Tết mỗi lúc một đông. Hai bà cháu đã mua được bao nhiêu thứ và tôi cũng đã được ngắm nghía thoả thích. Chợt tôi không thấy bà đâu cả. Trong biển người tôi chạy đi tìm vẫn không thấy. Vừa chạy tôi vừa gọi to “Bà ơi... Bà ơi...”. Một lúc vẫn không thấy bà, tôi bắt đầu lo sợ, nước mắt cứ chực trào ra. Chưa bao giờ tôi thấy mình yếu đuối đến thế. Bên cạnh cũng có một đứa trẻ hình như lạc mẹ khóc hu hu... Mọi người qua lại nhìn hai đứa trẻ lạc người lớn với vẻ cảm thông. Tôi đứng đó lo lắng, nếu không tìm được bà tôi sẽ không thể về nhà, không được gặp lại ông, gặp lại bố mẹ nữa... Đang lúc tuyệt vọng nhất thì bỗng tôi nghe thấy giọng nói quen thuộc của bà. Bà cũng đang lo lắng tìm tôi, dáo dác hỏi thăm mọi người. Vui quá, tôi chạy đến bên bà. Bà ôm tôi vào lòng mà khóc. Có lẽ bà cũng sợ như tôi vậy. Đứa trẻ vừa rồi cũng đã tìm thấy mẹ. Cảm giác tìm được người thân thật hạnh phúc biết bao. Tự nhiên tôi thấy mình nữ tính hơn thường ngày, biết lo sợ vẩn vơ, đặc biệt là khéo tưởng tượng nữa.

Từ đó đến nay tôi chưa được đi chợ phiên nào nữa. Vì học hết lớp ba, bố mẹ về quê đón tôi ra thành phố. Nhưng trong kí ức của tôi, chợ phiên mãi là kỉ niệm, là nơi đã ghi dấu một kí ức tuổi thơ của tôi.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.