I. MỞ BÀI
- Nguyễn Du sống trong một thời đại đầy biến động: chế độ phong kiến Lê - Trịnh mục nát, nạn kiêu binh hoành hành, phong trào Tây Sơn vùng lên, rồi Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn... Chiến tranh liên miên, dân lành khốn khổ giữa loạn lạc đã đành, mà còn bị chà đạp một cách tàn nhẫn trong chế độ phong kiến đang băng hoại. Có thể những điều trông thấy ấy đã làm ông đau đớn lòng đề viết lên thiên truyện tuyệt tác là Truyện Kiều.
- Với giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc, Truyện Kiều đã tố cáo chế độ phong kiến thối nát chà đạp lên con người lương thiện một cách tàn nhẫn.
Ta hãy giải thích và chứng minh nhận định trên.
II. THÂN BÀI
A. Chế độ phong kiến suy tàn trong “Truyện Kiều”
1. Bộ mặt của chế độ hiện rõ qua bộ mặt của bọn quan lại.
- Đó là viên quan chẳng xét việc dân oan ức hay không, mà chỉ lo tra khảo cho ra ba trăm lạng, làm cho gia đình họ Vương tan tác.
- Đó là viên quan xử án tuỳ tiện vụ Thúc ông kiện con, lúc đầu ra oai sấm sét, sau lại dễ dãi tha tội.
- Đó là tổng đốc đại thần Hồ Tôn Hiến, đại diện cho triều đình, nhưng lại hèn hạ, phản trắc, lừa giết một người đã chịu quy hàng chỉ vì không dám để người ấy trở lại đời sống bình thường, sống một cuộc đời trong khuôn phép phong kiến.
Như vậy, viên quan xuất hiện đầu tiên đã đẩy Thuý Kiều vào vũng bùn, còn viên quan xuất hiện cuối cùng lại không cho người sống như mọi người.
2. Dưới tay bọn quan lại như thế, bao nhiêu thế lực hung bạo thi nhau hoành hành:
- Mẹ con họ Hoạn ngang nhiên đốt nhà, bắt người về làm nô lệ, rồi hành hạ người.
- Bọn buôn người hành động một cách công khai: mua người, lừa gạt, đánh đập, bắt ép những cô gái lương thiện vào lầu xanh (Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh...).
- Bọn lưu manh, tay sai của nhưng kẻ có thế lực, sẵn sàng thực hiện bất cứ hành động tàn ác nào, miễn là có tiền: Ưng, Khuyển, Sở Khanh.
3. Bên cạnh các thế lực thống trị và lũ người hung ác là sức mạnh của đồng tiền. Vì tiền mà bọn quan lại tham ô đẩy Thuý Kiều sa vào đường luân lạc, vì tiền mà bọn buôn người đẩy Thuý Kiều vào chốn bùn nhơ, lũ lưu manh bắt bớ, đánh đập người vô tội:
Một ngày lạ thói sa nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
B. Chế độ phong kiến đó chà đạp lên con người lương thiện một cách tàn nhẫn
1. Trong xã hội bất nhân đó, Thuý Kiều trở thành:
- Món hàng của bọn buôn người.
- Đồ chơi cho bọn có tiền.
- Nô lệ cho bọn người có thế lực:
Hết nạn nọ tới nạn kia
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.
2. Thuý Kiều như con cừu non giữa bầy lang sói hung ác. Nàng cố vươn lên, nhưng càng bị vùi dập tàn nhẫn hơn:
- Bán mình cho Mã Giám Sinh, lọt vào tay Tú Bà.
- Bị ép ra tiếp khác, chịu bao sỉ nhục, đau đớn.
- Được Thúc Sinh chuộc ra khỏi thanh lâu, lại sa vào tay Hoạn Thư, bị bắt bớ, hành hạ.
- Thoát khỏi Hoạn Thư, lại rơi vào thanh lâu, lại sa vào tay Hoạn Thư, bị bất bớ, hành hạ.
- Thoát khỏi Hoạn Thư, lại rơi vào thanh lâu lần thứ hai của Bạc Bà.
- Tưởng yên thân với Từ Hải nhưng lại lọt vào cạm bẫy của Hồ Tôn Hiến.
- Cùng đường, Thuý Kiều phải liều thân. Hành động trầm mình của nàng ở sông Tiền Đường là sự tố cáo đanh thép chế độ phong kiến vô nhân đạo, cũng như quãng đời mười lăm năm luân lạc đoạn trường của nàng là sự phơi bày mặt xấu xa của một chế độ xã hội suy tàn, mục nát.
III. KẾT BÀI
- Nguyễn Du là tác giả suy nghĩ nhiều về cuộc đời, có thái độ yêu ghét khá rõ ràng.
- Ông đã vạch trần bộ mặt chế độ phong kiến suy tàn chà đạp lên con người lương thiện một cách tàn nhẫn, đồng thời bày tỏ lòng thương xót vô hạn đối với lớp người bị áp bức, đau khổ bằng một tình cảm nhân đạo cao quý.