Thường trong xã hội, ai cũng mơ ước mình có được một cuộc sống an nhàn, sung sướng để khỏi phải chạy vạy từng miếng cơm manh áo. Được như thế hạnh phúc biết bao! Thế nhưng người Trung Hoa lại có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”. Vậy “nhàn cư” có phải là cuộc sống mà ta hằng mơ ước không ? Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ trên là thế nào?
“Nhàn cư” là cuộc sống an nhàn. Bởi xưa kia các vị quan ở ẩn cũng như những thi nhân ai cũng chọn cho mình cuộc sống nhàn lúc về quê. Cuộc sống nhàn của họ là sống hòa mình với niềm vui lao động: vườn hoa cây kiểng hoặc “một mai, một cuốc, một cần câu”. Họ sống xa rời vòng danh lợi, không muốn bon chen để mưu cầu vinh hoa phú quý. Đó là cách sống thể hiện tiết tháo của nhà nho. Còn chữ “nhàn cư” mà câu tục ngữ nói ở đây là sự ở không, không biết làm việc gì, không có việc gì để làm, chỉ biết sống hưởng thụ, ăn bám vào người khác. Cách sống đó, ở không, nhàn rỗi như vậy dễ sinh ra điều không tốt “vi bất thiện”. Câu tục ngữ muốn đề cập đến: sự lười biếng, ăn không ngồi rồi sẽ sinh ra nhiều thói hư tật xấu.
Rõ ràng là như vậy. Khi một người không có một nghề nghiệp gì cả, không có một định hướng nào trong cuộc sống chỉ biết có sẵn của không cần suy nghĩ, không làm gì để giúp ích cho ai cả, thì những con người đó dễ sinh ra những việc làm sai quấy. Thế là những trò tiêu khiển được đặt ra: bài bạc, rượu chè, hút xách. Dần dần chúng trở thành thói quen không bỏ được. Nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, đòi hỏi của con người ngày càng nhiều, trong khi những kẻ lười biếng kia không chịu làm việc mà lại muốn có đủ tất cả. Dẫu cho gia đình có “tiền muôn bạc vạn” dần dần cũng sẽ suy sụp rồi trở nên nghèo túng. Lúc này, những “con nghiện” quen hưởng thụ kia tất phải trở thành kẻ xấu. Họ cố tìm ra những mưu mô gian xảo nhất để kiếm ra tiền: từ chỗ lường gạt, trộm cướp thậm chí dẫn đến chỗ giết người. Đó là hậu quả của việc “nhàn cư” rất tai hại.
Một nhà tư tưởng phương Tây cũng đã nói: “Sự ăn không ngồi rồi là mẹ đẻ của các tật xấu”. Điều ấy không sai.