Một nhà văn đã viết: "Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có người mẹ thì không có anh hùng, không có cả nhà thơ". Và dĩ nhiên không có mẹ cũng không có chúng ta trên cõi đời. Mẹ cho chúng ta sự sống, cho chúng ta tình yêu và lời ru, cho chúng ta cả những bài học đạo đức làm người để rồi "con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con (Chế Lan Viên). Vậy mà chúng ta, những đứa con được mẹ cho rất nhiều ấy vẫn nhiều lúc thờ ơ, vô tâm, làm đau lòng mẹ, làm đau lòng tất cả những người yêu thương ta, mong mỏi ta sống tốt mỗi ngày. Lời của một người cha, viết cho con trai minh để nhắc nhở về đạo làm con qua văn bản Mẹ tôi của Ét- môn-đô Đơ A-ml-xi là một bài học sâu sắc giành cho tất cả chúng ta.
Dưới dạng một bức thư của người bố gửi cậu con trai En-ri-cô, không dài mà chứa đựng bao nỗi niềm, bao tâm trạng. Ta còn được ở bức thư ấy những bài học thấm thía về gia đình và đặc biệt là thái độ của con cái với cha mẹ. Điều mà tôi, bạn và hầu như bất cứ ai cũng đã có lần chưa đúng. Nhắc lại sự việc khi cô giáo đến thăm, En-ri-cô đã nhỡ thốt ra “ một lời thiếu lễ độ", người cha đã bày tỏ thái độ của mình và qua đó nhắc nhở, giáo dục con về lòng yêu thương, kính trọng người mẹ một đời vì con. Chọn cách bày tỏ trực tiếp tình cảm, cảm xúc, ngay từ phần đầu bức thư, người cha đã viết: "Việc như thế con không bao giờ được tái phạm nữa". Tiếp đó ông bày tỏ tâm trạng của mình với con "Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy". Hình ảnh "nhát dao đâm vào tim" giúp ta hình dung một cách rõ ràng, cụ thể nỗi đau đớn của người cha do hành động vô lễ En-ri-cô đem lại. Trong nỗi đau ấy, ẩn chứa cả sự thất vọng, xót xa bởi con trai mình đã không xứng với tình yêu mà nó được đón nhận, không xứng với niềm trông đợi và hy vọng mà người cha đã gửi gắm rất nhiều. Trái tim người cha ấy như rỉ máu.
Rồi cố giữ bình tĩnh, ông kể cho En-ri-cô nghe những việc làm, sự hi sinh và tình yêu của mẹ giành cho cậu bé. Qua lời kể của cha, hình ảnh mẹ hiện lên: "cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hỗn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con... Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau ốm, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con". Ta rưng rưng cảm động khi nghe kể về người mẹ đó. Hết mực yêu thương, quên hạnh phúc của bản thân và cả tính mạng mình cho con, mẹ đáng kính, đáng trọng, đáng khâm phục biết bao. Bất chợt, ta nhớ về mẹ ta. Cũng thao thức như thế mỗi lúc ta ốm đau, cũng hi sinh hạnh phúc và niềm vui của riêng mình như thế vì ta. Và hẳn cũng sẽ hi sinh cả tính mạng mình cho ta nữa, nếu cần. Ta bỗng thấy mình hạnh phúc vì được yêu thương và cũng không thể không nhớ đến những lần có lỗi làm mẹ buồn.
Tiếp tục giọng tâm tình ấy, người cha vừa ngợi ca tình yêu của mẹ giành cho En-ri-cô, vừa nói với con rất thấm thía về sự gắn bó ruột thịt, sâu nặng giữa mẹ và cậu bé. Đặc biệt, người cha gỉa định về một ngày mẹ không còn nữa. Cái ngày mà như lời người cha nói: "Trong đời, con có thể trải qua những ngày buồn thảm, nhưng ngày buồm thảm nhất sẽ là ngày con mất mẹ. Khi đã khôn lớn... có thể có lúc con sẽ mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ giang tay đón vào lòng. Dù có lớn khôn, khỏe mạnh thế nào đi chăng nữa, con vẫn tự thấy mình là đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che". Để từ giả định ấy người cha đi đến một quy luật, một chân lí vĩnh hằng: tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả và bất diệt. Tình cảm ấy đem cho ta sức mạnh và sự nâng đỡ, chở che. Tình mẫu tử cũng chính là cội nguồn của mọi tình cảm trong ta. Và vẫn bằng những lời lẽ da diết, người cha đã tiếp tục nói với En-ri-cô: "Con sẽ cay đắng khi nhớ lại những lúc con đã làm cho mẹ đau lòng... Lương tâm con sẽ không phút nào yên tĩnh". Người cha ấy còn khẳng định thêm rằng: "Bố rất yêu con, En-ri-cô ạ, nhưng thà rằng, bố không có con còn hơn thấy con bội bạc với mẹ". Lời lẽ nhẹ nhàng nhưng đọc lên ta thấy mình nhói đau. Hẳn đọc những lời này cậu bé En-ri-cô sẽ vô cùng hối hận. Và chúng ta cũng thế, không thể dửng dưng, không thể không nhớ những lần phạm lỗi làm đôi mắt mẹ ta hằn thêm những nếp nhăn.
Cuối lá thư, vẫn bằng tình yêu tha thiết và những mong mỏi gửi gắm vào En-ri-cô, người bố khuyên con trai phải tự mình làm những việc thiết thực nhất để chuộc lỗi, nhận lỗi và xin mẹ tha thứ. Tế nhị, kín đáo mà hiệu quả của cách răn dạy vẫn rất cao, người cha ấy còn nêu một tấm gương về cách xử thế, cách giáo dục con cái bằng tình cảm, tình yêu thương xuất phát từ sâu thẳm lòng mình. Bởi thế En-ri-cô và cả chúng ta nữa, có thể nào dửng dưng trước lời dạy của cha?
Bức thư kết thúc bằng cảm xúc bồi hồi đang dâng trào mãnh liệt của người cha. Và ta, nhận ra thông điệp mà tác giả của những tấm lòng cao cả muốn gửi đến mọi người: "Hãy nhớ, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó". Thông điệp ấy cũng rất phù hợp với truyền thống đạo lí của con người Việt Nam. Bởi vậy, ta đón nhận lời dạy của người cha giành cho En- ri-cô như đón nhận lời dạy của chính cha mình và thấy mình hạnh phúc vì đã được yêu thương. Thấy mình cũng cần phải biết yêu thương, bắt đầu từ cha mẹ ta.