Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa của truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Tôi kể chuyện xưa: nàng Mị Châu,

Trái tim lầm chỗ đề trên đầu.

Nỏ thần vô ý trao tay giặc,

Nên nỗi cơ đồ đắm biền sâu.

(Tố Hữu - Tâm sự)

Truyện An Dương Vưang và Mị Châu - Trọng Thủy là một truyền thuyết sinh động về sự tồn tại của nhà nước Âu Lạc xưa. Hơn thế, truyện cũng là tác phẩm tiêu biểu cho hệ thống truyền thuyết Việt Nam. Thông qua câu chuyện về một vị vua yêu nước mà cuối cùng phải gánh chịu thất bại, một người con gái có tấm lòng chân thật, trong trắng mà phải chịu một kết cục đau đớn, người đọc có thể đúc kết được những bài học sâu sắc.

Trước hết là bài học cảnh giác: trong bất kì hoàn cảnh, tình huống nào cũng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan. Đó là tư tưởng lớn xuyên suốt nhiều tác phẩm văn học dân gian thời kì dựng nước như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng. Âu Lạc tuy là nước nhỏ song lại có vị trí hiểm yếu, giàu tài nguyên nên chưa bao giờ các triều đại phong kiến phương Bắc thôi nuôi âm mưu thôn tính. Do vậy, ý chí bảo vệ độc lập dân tộc, tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu xâm lược luôn là yêu cầu hàng đầu đối với mọi người dân đất Việt. Ý thức đó càng phải được ghi nhớ sâu sắc hơn đối với những người nắm trong tay vận mệnh của cả quốc gia.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy được ghi lại bởi người đời sau nên rất ngắn gọn nhưng cốt lõi của tấm bi kịch khá rõ ràng: mối quan hệ thông gia giữa An Dương Vương và Triệu Đà vốn dĩ đối địch đã tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Vậy mà An Dương Vương lại “vô tình” gả con gái yêu cho con trai kẻ thù. Có người cho rằng hành động chấp nhận cuộc hôn nhân này của An Dương Vương có khác gì “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”. Song theo ý kiến của cá nhân tôi, đánh giá như vậy là chưa thỏa đáng. Trong buổi đầu dựng nước, đất nước ta còn nghèo, lãnh thổ nhỏ, dân còn ít, nếu phải đổì đầu liên miên với một nước lớn có binh hùng, tướng mạnh, chắc chắn mất mát sẽ rất lớn. Nền kinh tế suy kiệt, nhân dân phải chịu loạn lạc, đói khổ tất sẽ mất niềm tin ở nhà vua, đó là cái hại không gì bù đắp được. Do đó, xét về mặt này, nhân vật An Dương Vương không chỉ có công trong việc dựng nước mà thông qua việc gả Mị Châu cho Trọng Thủy để muứ việc hòa hiếu thực lòng giữa hai nước, còn có ý tránh cho dân ta khỏi “họa binh đao”. Song, việc An Dương Vương chấp nhận cho Trọng Thủy ở rể ngay trong cung cấm mới thực sự là mất cảnh giác, là đầu mối của mọi thảm trạng về sau!

Mạch kể của truyền thuyết không lí giải nguyên nhân sâu xa của việc Mị Châu tiếp tay cho Trọng Thủy cướp mất nỏ thần. Mị Châu rõ ràng đã quá yêu và tin Trọng Thủy vì vậy nàng đã làm theo mọi yêu cầu của y. Nếu xét dưới góc độ của một thần tử, nàng đáng tội chết vì đã tiết lộ bí mật quốc gia. Đáng trách hơn, Mị Châu bị tình yêu làm mờ lí trí đến nỗi chẳng còn đủ tỉnh táo để nhận ra những ẩn ý trong lời nói của Trọng Thủy khi từ biệt để cảnh báo với vua cha. Nàng không nhận ra trong lời chồng tiềm ẩn hiểm họa binh đao: “Ta nay về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam chia cắt, ta tìm lại nàng biết lấy gì làm dấu?”. Mị Châu mê muội đến mức không hỏi nguyên cớ chia li, chỉ chăm chăm nghĩ về sự đoàn tụ lứa đôi. Rồi ngay cả khi quân của Triệu Đà đuổi đến nơi nàng vẫn chẳng chịu trở về với thực tại, mải đắm chìm trong cơn mộng mị, vẫn còn rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo. Đặt tình riêng lên trên lợi ích quốc gia như vậy quả là vô cùng đáng trách, đáng phê phán.

Nhưng nếu nhìn dưới góc độ của một người con gái bình thường đang yêu một cách cuồng nhiệt thì đơn giản là Mị Châu đã làm theo sự mách bảo của trái tim. Dù cho có mù quáng đi chăng nữa thì tình yêu của Mị Châu thật đẹp và trong sáng. Nàng yêu hết minh và làm tất cả để được ở bên người mình yêu. Mị Châu không làm tròn chữ “trung”, chữ “hiếu”, nàng chỉ để lại cho đời một chữ “tình” mà thôi.

An Dương Vương mất nước vì sự thiếu cảnh giác, khinh địch của mình. Bản thân nhà vua mong mỏi sự hòa bình giữa hai quốc gia, chấm dứt cảnh chiến tranh loạn lạc từ nên mới kết thông gia với Triệu Đà. Nhưng trớ trêu thay, chính thiện chí của An Dương Vương đã tạo nên khe hở cho những toan tính của Triệu Đà len lỏi vào. Ông đã không tỉnh táo để phân biệt rõ bạn - thù, dẫn đến bi kịch “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” của Mị Châu như lời bình của nhà thơ Tố Hữu.

Bản thân An Dương Vương cũng phải gánh chịu bi kịch khi đất nước rơi vào tay Triệu Đà, phải rút gươm trừng phạt kẻ phản bội là chính con gái yêu của mình.

Đến lúc này, nhà vua đã đứng trên lập trường bảo vệ quyền lợi quốc gia mà gạt bỏ tình riêng, hành động ấy rất được nhân dân coi trọng qua cách xử lí của dân gian: Rùa Vàng rẽ nước cho vua xuống biển. Mị Châu phải trả giá cho sự nông nổi của mình nhưng nàng cũng kịp thức tỉnh để nhận ra tấn bi kịch đau đớn. Một người con gái ngây thơ, trong trắng, đáng yêu lại bị phản bội, cuối cùng đã nhận ra kẻ thù dù muộn màng. Nhân dân ta rất nghiêm khắc và cũng rất công bằng khi đánh giá công, tội. Với Mị Châu, ngay khi nàng bị chết dưới lưỡi gươm oan nghiệt của chính cha mình, lời thề của nàng vẫn linh ứng. Nếu theo tâm linh người xưa Trời là tối thượng: “Xác Mị Châu không hóa thành tro bụi mà biến thành ngọc thạch, máu nàng biến thành ngọc trai” thì như vậy chính Trời cũng đã minh oan cho nàng rồi. Mị Châu thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương.

Từ thảm kịch nước mất nhà tan, câu chuyện đã để lại cho chúng ta một bài học cảnh giác rất sâu sắc và thấm thìa: trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân (mặc dù câu chuyện không chỉ chứa đựng duy nhất một tấn bi kịch mất nước mà có sự đan xen giữa bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu. Chính bi kịch mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã mở đường cho bi kịch mất nước).

Riêng nhân vật Trọng Thủy, đứng trên quan điểm dân tộc, chúng ta tất phải lên án hắn. Song, đứng trên phương diện tình yêu lứa đôi, nếu Trọng Thủy chỉ là tên gián điệp đơn thuần đội lốt người yêu, người chồng, giả danh làm con rể để thực hiện âm mưu hiểm độc thì khi đã chiếm và sáp nhập Âu Lạc với Nam Hải, vương quốc rộng lớn đó thiếu gì người đẹp với hàng trăm cung tần, mĩ nữ, vì sao Trọng Thủy phải một mình một ngựa lần theo dấu lông ngỗng tìm đường mong gặp lại Mị Châu? Sự kiện ngọc trai đem về rửa trong giếng nước mà Trọng Thủy đã tự vẫn trở nên “trong sáng tuyệt vời” cũng thể hiện cái nhìn bao dung độ lượng của nhân dân ta và chứng tỏ tình yêu chân thành của Trọng Thủy đốì với Mị Châu cũng như phần nào giải thích vì sao Mị Châu lại tin, yêu chồng đến thế. Cái chết của Trọng Thủy đã đánh một đòn mạnh mẽ vào âm mưu xâm lược của Triệu Đà. Chính Triệu Đà cũng phải trả một cái giá rất đắt cho âm mưu xâm lược Âu Lạc bằng cái chết của chính con trai mình.

Câu chuyện ngắn gọn nhưng tập trung nhiều mâu thuẫn nội tại. Triệu Đà xâm lược mong mở rộng bờ cõi nhưng đã đẩy chính con trai mình vào chỗ chết. An Dương Vương nhận lời cầu hòa, cầu thân mong được yên ổn để giữ nước nhưng vì mất cảnh giác mà để nước mất, nhà tan, phải tự tay giết chết đứa con gái yêu của mình. MỊ Châu yêu cha, theo cha đến cùng nhưng cũng vì nặng tình với chồng, mong gặp lại chồng mà không biết rằng con đường dẫn chồng đến tìm mình cũng chính là con đường dẫn minh đi vào cõi chết. Trọng Thủy làm xong mệnh lệnh tội lỗi của vua cha, tìm về với vợ, theo dấu lông ngỗng vung roi thúc ngựa mà không biết rằng mỗi bước ngựa phi càng đẩy vợ đến nhanh với cái chết thảm thương.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy muôn đời vẫn còn giá trị từ ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác đến lời nhắc nhở về cách giải quyết cái chung và cái riêng, việc nước và việc nhà. Tác phẩm chứa đựng những bài học sâu sắc và không bao giờ cũ đối với muôn thế hệ sau.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.