Phân tích vẻ đẹp của bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Bài bút kí Ai đã đặt ten cho dòng sông? là kết quả mối lương duyên giữa một tâm hồn nghệ sỹ giàu cảm xúc, tinh tế có tình yêu xứ sở tha thiết và một trí tuệ nghiên cứu minh mẫn, uyên thâm. Đó là bản trường ca đầy chất thơ tạo cho sông Hương và xứ Huế một tâm hồn mang tinh hoa văn hoá đất Kinh kỳ xưa. Sự mạch lạc của tư duy nghiên cứu ở cách thể hiện rất rõ ràng nhưng hiểu biết về nguồn gốc, đặc điểm địa lý, lịch sử, dòng chảy của dòng sông với một giọng điệu trữ tình, giàu hình ảnh, lối diễn đạt đằm thắm dịu dàng tràn đầy xúc cảm. Lối viết ấy tạo cho người đọc cảm giác như đang được tâm tình trên con thuyền thả trôi theo dòng chảy lặng lờ của dòng sông mà vừa ngắm vừa nghe ai đó thủ thỉ kể về dòng sông huyền thoại này. Cái điệu chảy lững lờ của dòng sông đã được tác giả thổi vào đó một cái hồn khiến nó trở thành người con gái dịu dàng, mỗi bước đi là một niềm vương vấn với quê hương. Với thành phố Huế nên thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kết hợp một cách điêu luyện tư duy nghiên cứu và tư duy nghệ thuật để giải thích nguyên nhân cái điệu chảy chậm chạp của dòng sông mà tác giả gọi điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế. Tác giả đã giải thích bằng cả hai cách: một cách là tư duy hình tượng của nghê sĩ một cách theo tư duy nghiên cứu của ngành địa lý.

Bắt nguồn từ rừng già Trường Sơn, sông Hương cũng tùng gào thét hung dữ cùng gió ngàn bởi cái địa thế hiểm trở của núi rừng. Nhưng khi vào lòng thành phố nó lại chảy thật chậm do đặc điểm cấu tạo của dòng chảy, ở đây dòng sông chia làm nhiều nhánh, theo những nhánh sông đào mang nước về thành phố và những chi lưu ấy cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hơn lưu tốc của dòng sông, khiến cho sông Hương... trôi thật chậm... Đó là cách giải thích của nhà khoa học.

Còn dưới con mắt của người nghệ sĩ, dòng chảy của Hương giang lại được miêu tả thật hấp dẫn với nhiều cách so sánh, những từ ngữ được sử dụng rất đắc địa, giàu hình ảnh, màu sắc và hình khối tạo nên một dòng Hương giang thật đẹp, thật nên thơ và như một con người đầy xúc cảm chứa chan tình yêu với cố đô Huế giàu truyền thống văn hoá. Sông Hương dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn là một dòng chảy mà là cả một nền văn hoá, cả một chiều dài lịch sử anh hùng và một chiều sâu tâm hồn cao quý. Người nghệ sĩ cũng lần lượt theo bước dòng sông từ thượng nguồn cho đến khi nó tạm biệt thành phố Huế thân yêu để ra cửa Thuận An và hoà mình ra biển.

Giữa núi rừng hùng vĩ của rừng Trường Sơn, sông Hương đã là bản trường ca của rừng già và cũng có lúc trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng, vẻ đẹp của sông Hương nơi đại ngàn thật gần với vẻ dữ dằn mà cũng thật dịu dàng một cách hoang dại của sông Đà dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân: sông Đà hung bạo và trữ tình,., sông Đà tuôn dài, tuôn dài như áng tóc trữ tình mà đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân (Nguyễn Tuân - Người lái đò Sông Đà). Cái dữ dội của sông Hương nơi đại ngàn đã được tác giả chọn lựa một hình ảnh so sánh thật sống động, gợi cảm và đầy màu sắc văn hoá: sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn trong sáng. Dưới lăng kính của người nghệ sĩ, sông Hương đã trở thành một con người, một người con gái có đầy đủ tâm hồn, tính cách, lòng yêu thương rừng già đã chế ngự bản năng của người con gái để sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Có thể thấy ngay ở trang đầu tiên dành cho sông Hương, tác giả đã sáng tạo một loạt hình ảnh độc đáo để gợi tả vẻ đẹp mang màu sắc văn hoá của dòng sông. Từ đó tạo cảm giác sông Hương khi vào lòng thành phố đã thay đổi mình, kiềm chế mình để phù hợp với vẻ mộng mơ, thâm trầm và cổ kính của cố đô. Sông Hương như người con gái đẹp ngủ mơ màng được đánh thức để hoà mình cùng Huế, nó duyên dáng uốn mình và bước đi chậm chạp, thật quí phái uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức. Bước chuẩn bị để dòng sông đi vào lòng thành phố đã được tác giả miêu tả rất kỹ càng với một cảm xúc ở độ cao trào, một loạt hình ảnh so sánh được sử dụng để khắc hoạ vẻ đẹp của dòng sông một cách hoàn mĩ. Đến chân đồi Thiên Mụ thì Hương giang cùng tiếng chuông chùa cùng với sự thâm trầm uy nghiêm của những lăng tẩm của vua chúa Nguyễn đà tạo cho sông Hương một vẻ đẹp văn hoá đặc biệt mà bất kể một dòng sông nào của Việt Nam đều không có được, vẻ đẹp ấy được tác giả chọn tả bằng một câu văn dài như ngân lên trong hồn người đọc, tạo một dư âm, một ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí người đọc. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương như triết lý, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga từ bờ bên kia giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà.

Nếu như Nguyễn Tuân đã tạo cho sông Đà vẻ trữ tình và hung dữ để nhằm mục đích tôn vinh con người trong lao động, Hoàng cầm tạo cho thi ca một dáng nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì của dòng sông Đuống để tạo nên hình ảnh quê hương yêu dấu trong những ngày đau thương thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại tạo cho thi ca một dòng sông văn hoá. vẻ đẹp của Hương giang được tạo nên bởi truyền thống, bản sắc văn hoá của xứ Huế, với vùng ngoại ô Kim Long hay những khu nhà vườn Vĩ Dạ xanh mướt một màu thiên nhiên tràn đầy sức sống, những khu vườn thơ mộng ẩn chứa trong lòng nó những con người phúc hậu, những nếp sống cổ xưa với những nét sinh hoạt tinh tế đầy văn hoá. Và cái điệu chảy lững lờ như lưu luyến vấn vương của dòng Hương giang đã tạo nên một môi trường tuyệt vời cho những đêm ca Huế, những đêm hội hoa đăng, những thú vui đố thơ, thả thơ trên những con thuyền giữa dòng sông. Mặt nước yên tĩnh như không trôi đã nâng niu góp phần gìn giữ những sinh hoạt văn hoá cổ truyền của Huế, tạo vẻ đẹp riêng thu hút và quyến rũ khách thập phương. Điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế ấy thật hợp cảnh hợp tình với những ngôi chùa cổ, những lăng tẩm uy nghi của chốn kinh thành xưa.

Chính cái đặc biêt của sông Hương, vẻ đẹp trữ tình của nó trong toàn bộ quần thể văn hoá của Huế đã là nguồn cảm hứng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sinh ra lớn lên và gắn bó với Huế, hàng ngày hàng giờ được nhìn thấy dòng Hương nên người nghệ sĩ trong tác giả đã phát hiện được cái tình tứ duyên dáng của dòng sông. Nên ông đã tìm thấy vẻ đẹp của dòng sông trong từng bước đi của nó. Dưới ngòi bút của ông, dòng chảy vô tri vô giác đã biến thành một con người mà mỗi bước đi là một suy tư, một trăn trở, một nỗi niềm vương vấn với thành phố quê hương theo bước đi của dòng sông vẻ đẹp của Huế hiện lên ngày càng đủ đầy, toàn vẹn. Đi đến đâu dòng sông đều mang một tâm trạng của một con người. Rời xa tiếng chuông chùa Thiên Mụ là chạm đến sự đông đúc của thành phố và tác giả thấy như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên.. Và cái điệu đà kiêu sa của 12 nhịp cầu Tràng Tiền in ngầm trên nền trời, nhỏ nhắn như vành trăng non là một đồ trang sức đẹp nhất, lộng lẫy nhất tạo cho dòng sông vẻ đẹp dịu hiền mà quí phái của người con gái xứ Huế.

Một trong những nét độc đáo rất riêng, rất Huế trong cách tả của Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ chính là cách tả những khúc uốn lượn của dòng sông với một hệ thống các hình ảnh so sánh rất mềm, rất duyên. Khi là uốn mình theo nhũng đường cong thật mềm khi lại đột ngột vẽ một hình cung thật tròn ôm lấy chân đồi Thiên Mụ và lúc lại mềm như tấm lụa rồi uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến,... Không chỉ mô tả hình dáng dòng sông bằng những từ ngữ giàu tính hình tượng và rất gợi cảm mà cái đặc biệt tạo nên phong cách ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, góp phần tạo nên bản đại hợp xướng ngôn từ cho nền văn học dân tộc, chính là sự sáng tạo nên những phương thức so sánh rất đắc địa, bất ngờ và đầy chất thơ, thể hiện đỉnh cao cảm xúc trữ tình của tác giả. Sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ, đường cong ấy mềm hẳn đi như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu hay trăm nghìn ánh hoa đăng bềnh bồng... qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi, muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của những nỗi lòng. Với những cách so sánh độc đáo sống động ấy sông Hương đã thành một con người, một người con gái đầy tình cảm, khi xa dần thành phố đến cồn Huế dòng sông có đoạn chảy vòng lại và người nghệ sĩ trong Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thấy sự lưu luyến của nó và như sực nhớ ra một điều gì chưa kịp nói nó đột ngột đổi dòng rẽ ngoặt... để gặp lại thành phố, và được tác giả gọi là nỗi vấn vương, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Thật bất ngờ khi một lần nữa tác giả lại tin tưởng sự gắn bó của sông Hương và xứ Huế với mối tình son sắt Kim Trọng - Thúy Kiều. Tâm hồn người nghệ sĩ ấy đã trở lại sự minh mẫn của tư duy khoa học để khẳng định tấm lòng người dân Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở. Đây là điểm mấu chốt, trực tiếp thể hiện nội dung tư tưởng cơ bản của bút kí. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì sông Hương vẫn luôn hiện lên giống hoặc được ví là người con gái dịu dàng của đất nước. Đó là người con gái Huế dịu dàng quyến rũ, một vẻ sang trọng quí phái.

Sông Hương trong cảm hứng của Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ mang vẻ đẹp thơ mộng của một vùng văn hoá truyền thống, không chỉ dịu dàng một vẻ sơn thuỷ hữu tình mà còn là một dòng sông anh hùng như bao dòng sông khác của quê hương Việt Nam, sông mang trong mình bao điều bí ẩn của lịch sử. Nếu những trang miêu tả dòng chảy của dòng sông là những trang trữ tình nhất thì những trang nói về lịch sử là những trang đáng tự hào nhất. Dòng sông tươi trẻ và quyến rũ, lung linh sắc màu trong những ngày thanh bình lại trở thành người anh hùng sát cánh cùng dân tộc đánh giặc: Hiển nhiên là sông Hương đã sống những thế kỷ vinh quang với lịch sử của nó. Tác giả đã lược thuật những thời kỳ lịch sử của dân tộc mà sông Hương đã trải qua một cách đầy tự hào, mỗi trang sử hào hùng của đất nước sông Hương đều có những chiến công, như một chiến binh cùng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Với lối viết gợi cảm, giàu cảm xúc tự hào với lịch sử quê hương tác giả đã tạo nên những trang viết đầy âm hưởng anh hùng ca, tạo cho sông Hương một phương diện mới trong vẻ đẹp hoàn mỹ của nó. Sông Hương không chỉ dịu dàng quý phái trong vẻ đẹp văn hóa cố đô mà còn đầy tự hào trong lịch sử đấu tranh của một dân tộc anh hùng. Trong cảm hứng tự hào ấy vẫn không quên những đau thương mà đế quốc đã gây ra cho Huế chỉ bằng một trích dẫn lời một bài báo của người Mỹ. Dòng sông như một nhân chứng sống cùng với những Bạch Đằng, Hồng Hà, Bến Hải, sông Lam, sông Cửu Long... tạo nên bản anh hùng ca bất diệt của núi sông Việt Nam, là chứng minh đầy tự hào cho sự gắn bó son sắt bền chặt giữa thiên nhiên và con người trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đất linh nhân kiệt này. Niềm tự hào ấy được thể hiện thật ấn tượng bằng một câu văn đầy sắc màu trữ tình: Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc, khi nghe lời gọi nó biết cách tự biến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với- cuộc Sống bình thường làm một người con gái dịu dàng của đất nước.

Có thể thấy tác giả có một lối viết rất độc đáo đầy sáng tạo khi thể hiện cảm xúc về dòng sông mà thực chất là cảm xúc về cố đô Huế. Cảm xúc có những lúc chuyển hướng đột ngột nhưng vẫn liền mạch, uyển chuyển. Từ cảm hứng tự hào chuyển sang niềm say mê sắc áo cưới Huế ngày xưa và như quên dòng sông, tác giả đắm mình trong niềm mê say màu áo điều lục của những cô dâu trẻ và sông Hương lại trở thành cô dâu thật đẹp trong ngày lễ vu quy với một tấm váy cưới huyền ảo, ẩn giấu gương mặt thực của mình.

Thành công đáng kể nhất của tác phẩm chính là ở ngôn ngữ ký giàu hình tượng và giàu sức gợi cảm, điều đó đà làm nên một Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những người viết ký hay nhất (Nguyên Ngọc), Ở thể ký, người viết có điều kiện phát huy tối đa những liên tưởng phong phú của mình về đối tượng. Từ cảm xúc về dòng sông tác giả đã thể hiện thành công những suy tưởng của mình về Huế, về lịch sử, về những dòng sông đẹp trên thế giới với một lối viết thật tự nhiên, dễ thấm vào lòng người. GS Hoàng Ngọc * Hiếm khi viết về thể loại ký đã nhận xét: Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường mang dáng dấp etxe - một thể ký đặc biệt từng xuất hiện nhiều ở phương Tây - đòi hòi ở người viết một khả năng diễn đạt uyển chuyển, những sáng tạo khi quan sát và khéo léo khi trình bày những suy ngẫm chủ quan của mình. Giọng văn etxe thường là giọng văn nhẩn nha, thủng thẳng của một người suy ngẫm... lối văn etxe có sự mềm mại, uyển chuyển của một người biết tranh thủ mà cxng biết nhân nhượng, biết tôn trọng ý kiến của người khác nhưng trước sau vẫn cậy vào ý kiến chủ quan của mình (trang 24 sđd). Vì vậy trong tác phẩm hay xuất hiện những từ hình như, dường như, như... Tất nhiên đó chưa phải là biểu hiện của chủ nghĩa hoài nghi tích cực, cơ sở triết học của thể etxe, nhưng nó đã giúp nhà văn dễ dàng thể hiện những liên tưởng của mình một cách tự nhiên hơn. Tư duy etxe làm nên chiều rộng của trường liên tưởng để từ sông Hương có thể tái hiện cả lịch sử, văn hoá Huế, những dòng sông đẹp trên thế giới qua đó thể hiện tình cảm sâu đậm với quê hương. Suy tưởng của nhà văn có sự chuyển hướng rất linh hoạt, từ miêu tả hiện thực đến suy ngẫm tạo nên sự đan xen hợp lý của tính chất triết luận với những sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Từ điệu chảy lặng lờ của sông Hương mà nhớ đến sông Xen của Pari hoa lệ, sông Đa nuýp xanh thẳm, sông Nê-va của Lê-nin-grat rồi đến cả triết lý của Hê-ra-clit thời cổ đại., để rồi .bộc lộ tình cảm với sông Hương tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lững lò của nó. Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế. Sông Hương có vẻ đẹp riêng, đó là vẻ đẹp đặc trưng nên thơ và trữ tình của Huế bởi nó mang trong mình cả một nền văn hóa của quê hương xứ sở. Nhũng nét văn hoá đặc sắc nhất của Huế, theo tác giả, đều được sinh ra và tồn tại cùng vẻ mặt nước lặng lờ của dòng sông, đó là những đêm hội hoa đăng, những làn điệu ca Huế ngọt ngào, những khu vườn cây trái xanh tươi, những lăng tẩm uy nghiêm.. Vì thế mà sông Hương trở thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya, điệu nhạc dìu dặt, đằm thắm của ca Huế chỉ có thể cảm nhận được trong cái không gian tĩnh lặng của mặt nước sông Hương về đêm. Cả câu Phều hay nhất của Nguyễn Du khi miêu tả tiếng đàn của nàng Kiều cũng được sinh ra từ những ngày: Nguyễn Du lênh đênh trên quãng sông này với một phiến trăng sầu. Như vậy sông Hương đã mang trong mình chất nhạc. Theo cảm nhận của tác giả, sông Hương không chỉ mang trong mình vẻ đẹp văn hoá mà nó còn là môi trường sản sinh ra Truyện Kiều - niềm tự hào của văn học dân tộc: tôi đã cảm nhận ra cái âm hưởng sâu thẳm của Huế trên mỗi trang Truyện Kiều... thiên nhiên của mảnh đất kinh kì xưa đã để lại một cái bóng mông lung nhưng rất dễ nhận ra trong thơ Nguyễn Du.... Sông Hương trong cảm hứng của Hoàng Phủ Ngọc Tường không chi mang vẻ đẹp thơ mộng của một vùng văn hoá truyền thống, không chỉ dịu dàng một vẻ sơn thuỷ hữu tình mà còn là một dòng sông anh hùng như bao dòng sông khác của quê hương Việt Nam, sông mang trong mình bao điều bí ẩn của lịch sử. Nếu những trang miêu tả dòng chảy của dòng sông là những trang trữ tình nhất thì những trang nói về lịch sử là những trang đáng tự hào nhất. Dòng sông tươi trẻ và quyến rũ, lung linh sắc màu trong những ngày thanh bình lại trở thành người anh hùng sát cánh cùng dân tộc đánh giặc.

Chỉ với mười trang văn, bằng sự hiểu biết và tình cảm sâu nặng, tình yêu mãnh liệt với Huế nhà văn đã tạo nên một xứ Huế đáng yêu trong vẻ đẹp của thi ca, của văn hoá Sức hấp dẫn của bút ký này được tạo nên bởi hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh, gợi cảm và một lối diễn đạt ngọt ngào như hương vị của hoa trái cỏ cây xứ Huế. Điều đó đã tạo cho thể ký nói chung và ký Hoàng Phủ Ngọc Tường nói riêng một sức công phá diệu kỳ vào trái tim độc giả. Thường thì tư tưởng chủ đề của ký không khó nắm bắt, nó dễ dàng đến với số đông độc giả. Đến với ký người thưởng thức không chỉ thoả mãn khoái thú thẩm mỹ mà còn có được những khoái thú thuần trí tuệ bởi những tri thức về người thật việc thật, làm nên nét khu biệt của ký với các loại thể văn học khác. Đến với Ai đã đặt tên cho dòng sông? Người đọc sẽ gặp một người trần thuật có tâm hồn tinh tế và một giọng trần thuật mượt ngọt như dòng nước Hương giang bốn mùa xanh thẳm. Tác phẩm sẽ tạo cho người đọc một tình yêu Huế thuần khiết và sâu nặng như người ta yêu Hà Nội khi đọc văn Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.