Bình giảng đoạn thơ: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc... Sông Mã gầm lên khúc độc hành" trong bài Tây tiến của Quang Dũng

Tây Tiến là bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung, được sáng tác vào năm 1948. Thông qua niềm thương nỗi nhớ, cảm hứng lãng mạn của tác giả, bức tranh thiên nhiên miền Tây Tổ quốc hiện lên thật đa dạng về đường nét, phong phú về màu sắc, rất gợi cảm và gần gũi với cuộc sống người lính. Nổi bật lên trên bức tranh núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ dữ dội vừa nên thơ ấy vẫn là hình ảnh những người lính Tây Tiến thật oai phong lẫm liệt, thật sang trọng hào hoa:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

… Sông Mã gầm lên khúc độc hành

vẻ đẹp lãng mạng của người lính Tây Tiến được thể hiện rất rõ qua những vần thơ:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, những người lính Tây Tiến phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, thường xuyên phải chống chọi với đói rét, bệnh tật. Những câu thơ trên gợi cho ta biết bao thương cảm. Những người lính bị sốt rét rừng hành hạ được tác giả phác họa bằng những nét độc đáo có phần kì lạ. Sống ở vùng rừng núi Tây Bắc hoang vu, họ bị bệnh sốt rét làm cho trụi tóc xanh da, thân hình tiều tụy: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc. Cũng có thế hiểu người lính phải cạo trọc đầu đễ thuận tiện hơn trong chiến đấu. Nhung người ta thường hiểu theo cách thứ-nhất. Đây là một hình ảnh hoàn toàn có cơ sở hiện thực. Chính Hữu trong bài Đồng chí cũng đã viết Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi và Tố Hữu trong bài Cá nước đã có những câu thơ rất hay: Giọt giọt mồ hôi rơi - Trên má anh vàng nghệ - Anh vệ quốc quân ơi - Sao mà yêu anh thế.  Nhưng cách diễn đạt của Quang Dũng đã làm bật nổi được nỗi gian khổ của người lính và gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Biết bao nhiêu là khốc liệt được chứa đựng trong hình ảnh không mọc tóc và quân xanh màu lá ấy. Chỉ riêng sự tồn tại được trong hoàn cảnh dáng vóc ấy cũng đã là một chiến công phi thường rồi!

Tuy nhiên, người lính ốm mà không yếu, vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ hào hùng của họ: dữ oai hừm, mắt trừng. Với bút pháp lãng mạn, tác giả đã nhấn mạnh sự tương phản giữa ngoại hình và nội tâm, giữa hình thức có phần xanh xao tiều tụy vì bệnh tật với sức mạnh tinh thần mãnh liệt bên trong. Biết bao sự phẫn nộ và tư thế khí phách của người lính được chứa đựng trong hai từ mát trừng rất giản dị đó. Và cũng oai phong lẫm liệt biết chừng nào được thể hiện trong hình ảnh dữ oai hùm ấy - oai hùm là oai hổ, chúa sơn lâm thường ngự trị, tung hoành ngang dọc nơi chốn rừng thiêng:

Trong hang tối mắt thần khi đã quắc

Là khiến cho mọi vật đều im hơi

Ta biết ta là chúa tể cả muôn loài

Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi

(Thế Lữ)

Cho nên có thể nói dữ oai hùm của người lính Tây Tiến được tác giả mô tả ở đây là nhằm để thích ứng với sự chế ngự một hoàn cảnh khắc nghiệt dữ dội và làm cho quân thù khiếp sợ. Như thế là người lính Tây Tiến ngay trong khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, ốm đau cùng đã bộc lộ phẩm chất lẫm liệt hào hùng và rất đẹp.

Nhưng có lẽ người lính còn đẹp ở một phương diện khác của phẩm chất tinh thần. Đằng sau cái vẻ dữ oai hùm còn ẩn giấu những tâm hồn, những trái tim giàu khát khao yêu thương, giàu lãng mạn, mộng mơ: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Ban ngày họ phải hành quân gian khổ, thường xuyên tiếp xúc với thần chết mà đêm về họ đã mơ những giấc mơ dịu êm như thế đó. Hình ảnh dáng kiều thơm làm ta gợi nhớ tới những hình ảnh thơ tả người đẹp rất độc đáo và nổi tiếng của Bích Khê:

Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?

Đến triển lãm cả thân hình kiều diễm

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?

Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

Vài chút trăng say đọng ở làn môi

{Tranh Loã thể)

Chính những giấc mơ thấm đượm màu sắc làng mạn hào hoa đó đã nâng đỡ tinh thần của người lính Tây Tiến vượt qua những khó khăn thử thách khốc liệt tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi. Đây là vẻ đẹp rất đáng yêu, đáng tự hào của người lính Tây Tiến nói riêng và anh bộ đội cụ Hồ nói chung. Nguyễn Đình Thi cũng đã từng viết:

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

{Đất nước)

Vì thế không nên có cái nhìn sai lầm cho người lính Tây Tiến còn những mộng rớt, mộng rơi mà phải xem đó là mộng mơ đầy cảm hứng lăng mạn của nhũng người lính Hà thành tài hoa thanh lịch.

Ngòi bút Quang Dũng không chỉ hướng về lãng mạn hào hoa mà còn hướng về phía lãng mạn hào hùng, cảm xúc bi tráng. Người lính Tây Tiến đã ra đi chiến đấu với tư thế, khí phách tuyệt đẹp:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Hình ảnh thơ đã trực tiếp nói đến những hy sinh mất mát. Thơ ca kháng chiến nhìn chung ít nói đến mất mát hy sinh. Vì vậy đây là một đoạn thơ khá hiếm hoi. Quang Dũng trực diện nói đến cả cái chết, không phải một cái chết mà là nhiều cái chết: Rải rác biên cương mồ viễn xứ. Riêng câu thơ này gợi cho ta cảm giác có cái gì đó hơi bi thảm. Chẳng phải chỉ vì lời thơ nói đến nấm mồ mà vì những nấm mồ nằm rải rác nơi miền viễn xứ ở một vùng rùng núi hoang vu heo hút. Nó dễ làm ta nhớ đến những câu thơ tả cảnh chiến địa trong Chinh phụ ngâm:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn

Nhung sang câu thứ hai Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh đã nâng ý thơ lên thành bi tráng, bi hùng. Chất bi hùng ấy được vút lên từ âm điệu câu thơ gợi lên một thái độ tình cảm thật dứt khoát, thật mạnh mẽ. Vì lí tưởng độc lập tự do cao quý, người chiến sĩ Tây Tiến sẵn sàng hy sinh một cách thanh thản không hề luyến tiếc đời xanh. Biết bao tương lai đầy hứa hẹn của tuổi trẻ được chứa đựng trong hai chữ đời xanh ấy. Tố Hữu cũng đã có những câu thơ nổi tiếng ca ngợi vẻ đẹp của tuổi trẻ:

Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu

Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão

Gân đang săn và thớ thịt căng da

Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa

Hai câu thơ trên của Quang Dũng đã làm toả sáng một phương châm, một triết lí, lẽ sống rất đẹp của tuổi trẻ thời ấy: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Với triết lí đó, người lính sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, mọi thiệt thòi, kể cả cái chết áo bào thay chiếu anh về đất. Câu thơ trước hết gợi được cái không khí rất thực của người lính Tây Tiến. Hoàng Lộc cũng đã viết về việc khâm liệm người chiến sĩ:

Ở đây không gỗ ván

Vùi anh trong tấm chăn

Của đồng bào Cửa Ngăn

Tặng tôi ngày phân tán

Nhưng dẫu sao người lính trong bài thơ của Hoàng Lộc cũng còn có một tấm chăn còn người lính của Quang Dũng phải áo bào thay chiếu, nghĩa là tử sĩ nằm xuống không đủ manh chiếu để liệm (lời kể của Quang Dũng). Song để xoá đi cái bi thương, tạo nên niềm an ủi, trân trọng đối với người lính, Quang Dũng phủ lên thi thể người lính một cái nhìn lãng mạn bằng hình ảnh áo bào. Đây là một sáng tạo từ ngữ độc đáo của Quang Dũng. Nó vừa miêu tả chiếc áo người chiến sĩ chiến đấu, khi chết thay chiếu để chôn vừa gợi về chiếc chiến bào vua ban cho người tráng sĩ ngày xưa làm cho người lính Tây Tiến trở nên sang trọng hơn:

Giã già đeo bức chiến bào

Thét roi Cầu Vị ào ào gió thu

Với tấm áo bào ấy, người chiến sĩ đã thanh thản về trong lòng đất Mẹ thiêng liêng ấm áp vĩnh hằng.

Hình ảnh người chiến sĩ trong câu thơ này làm ta nhớ tới hình ảnh An Dương Vương rẽ nước về với Long Vương hay chàng trai làng Gióng cưỡi ngựa bay về với Thiên Vương sau khi đã dẹp xong giặc Ân. Đúng là một hình ảnh thơ đầy sức mạnh ngợi ca. Biết bao yêu thương và trân trọng của đất nước, của đồng đội được chứa đựng trong hình ảnh thơ ấy.

Người lính Tây Tiến qua cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng đã mang được cái tư thế hiện ngang như người tráng sĩ thời Chiến quốc hay người chinh phu trong Chinh phụ ngâm... ra đi quyết không trở về, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng:

Gió hiu hiu hề, nước sông Dịch lạnh tê

Tráng sĩ ra đi quyết không trở về

Người lính của Quang Dũng cũng đã kế tục và phát huy được phẩm chất và vẻ đẹp lí tưỏng của người chiến sĩ cộng sản trong văn học cách mạng 1930 - 1945. Vì lí tưởng cộng sản cao đẹp, người chiến sĩ sẵn sàng chấp nhận mọi cái chết, thậm chí là cái chết bi thương:

Dù phải chết, chết một thời trai trẻ

Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con

Rồi chôn xương rục thối dưới chăn cồn

Hay phơi xóc cho một đàn quạ rỉa

(Tố Hữu)

Và họ đã thanh thản đi vào cái chết như người nông dân vui vẻ trở về nhà sau khi đã cày xong thửa ruộng:

Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Xuân nhẹ đến trên môi cười hy vọng

(Tố Hữu)

Người lính của Quang Dũng là biểu tượng của người chiến sĩ đi tiên phong trong sự nghiệp giải phóng đất nước: Là con người đẹp nhất của thời ta:

Đoàn vệ Quốc Quân một lần ra đi

Là có sá chi đâu ngày trở về

Ôi ta biết cảm ơn ai đã sáng tạo ra lên người chiến sĩ

Vang tự hào của thế kỉ 20

Thước vàng đo mọi giá trị trên đời.

Người lính Tây Tiến chiến đấu cho một lí tưởng đẹp nhất của cuộc đời. Đó là độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Cho nên, anh dù có phải nếm trải mọi khó khăn thiếu thốn, thậm chí cả cái chết nhưng các anh không hề nhỏ bé bi thương, trái lại vẫn oai hùng dữ dội. Các anh dù ngã xuống cũng ngã xuống trong tiếng nhạc của núi sông Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Câu thơ như tiếng kèn bi tráng tiễn đưa linh hồn người lính về nơi đất Mẹ vĩnh hằng với bao tiếc thương, ngậm ngùi, bi phần.

Chỉ bằng tám câu thơ mà Quang Dùng đã mô tả được khá đầy đủ về chân dung tập thể người lính Tây Tiến từ diện mạo đến tâm hồn, khí phách thái độ trước cái chết cũng như vẻ hào hoa rất Hà Nội của họ. Đoạn thơ xứng đáng là một tượng đài bằng ngôn ngữ đã bất tử hoá phẩm chất anh hùng của anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp rất đỗi gian khổ mà vui tươi hào hùng.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.