Phân tích tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong hài “Bình Ngô đại cáo”

Mỗi khi nhìn lại lâu đài văn học cổ Việt Nam, chúng ta không thể nào quên được cây cột trụ chính của nó: Nguyễn Trãi. Cách sáu thế kỉ mà người dân Việt Nam ngày nay vần luôn nhớ đến ông, không chỉ vì cái án oan tru di tam tộc thảm khốc, mà còn chính vì những gì ông đã đóng góp cho nước cho dân, như một nhà văn, nhà thơ vĩ đại của non sông Việt Nam, một nhà tư tưởng, một nhà chính trị đại tài của dân tộc Việt Nam thế kỉ XV. Tuy gặp nhiều oan khuất và bi kịch, suốt cả cuộc đời tận tuỵ cống hiến của Nguyễn Trãi được bao trùm bởi một tư tưởng vĩ đại: tư tưởng nhân nghĩa, mà qua thơ văn ông, chúng ta có thể thấy điều đó. Ở đây, chúng ta chỉ xét bài Bình Ngô đại cáo, một tác phẩm quan trọng nhất của ông được viết thay lời Lê Lợi, ngay khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp được thấm nhuần xuyên suốt ngay từ câu đầu tiên: Từng nghe: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Nguyễn Trãi đã viết tự đáy lòng ông, chứ không chỉ như được từng nghe suông. Chính ông đã coi việc nhân nghĩa cốt ở yên dân như mục tiêu, phấn đấu cao nhất của đời mình. Cả cuộc đời ông đã dành trọn cho những công việc nhân nghĩa, ta có thể coi đó là lí tưởng của ông. Một lí tưởng cao quý. Với đạo đức nho giáo ngày xưa, nhân nghĩa là một điều mà con người ai cũng phải có, và thể hiện bằng cách xử sự đối đãi tốt đẹp với người khác, ở Nguyễn Trãi, nhân nghĩa đã được nhân lên một tầm cao hơn hẳn, và mở rộng hơn nữa: đó là lo cho dân, giúp cho dân - dân ở đây nói với nghĩa bao trùm tất cả thiên hạ, ta có thể thấy lòng Nguyễn Trãi bao la và suy nghĩ của ông thật rộng lớn. Với tư cách một vị quan và trên phương diện thay lời Vua để viết lời tuyên cáo chiến thắng, Nguyễn Trãi đã khẳng định nhân nghĩa là yên dân tức là làm cho dân được yên ổn làm ăn, ấm lo hạnh phúc trong an bình. Vì thế, quân điếu phạt trước lo trừ bạo, phải dẹp tan giặc giã hung tàn để cho yên dân. ông thương dân và lo cho dân với tất cả tấm lòng mình, không phải để ban ơn cho dân mà là đền ơn dân như ông từng nghĩ ăn lộc, đền ơn kẻ cấy cày. Đó là một suy nghĩ hết sức tiến bộ và đáng quý biết bao trong thời đại lúc bấy giờ, mà qua bao thời gian, đến ngày nay vẫn vô cùng giá trị.

Trong suốt toàn bài Cáo bình Ngô, ngòi bút của Nguyễn Trãi đã tỏ rõ lòng ưu ái đối với dân. Vì thương dân, ông đã xót xa trước những thảm cảnh mà quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ do bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Chúng đã:

... Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ...

Cũng từng là dân một thời phải trốn tránh giặc, nên Nguyễn Trãi đã hiểu rõ lòng thương cảm và căm giận thay khi những người dân đang gặp buổi lầm than. Những dân đen, con đỏ là những người ở tầng lớp khốn khổ nhất xã hội, những người chuyên đi cày cấy, đi ở, đi làm thuê (là manh lệ theo nguyên bản) xuất hiện dưới ngòi bút Nguyễn Trãi cùng tình cảm của ông. Sự quan tâm này thật không dễ gì có được ở những người vốn làm quan lại như ông, vì thế đây là điều rất tốt đẹp của tư tưởng Nguyễn Trãi.

Càng thương dân, ông càng căm giận quân xâm lược. Đoạn kể tội giặc của ông với những hình ảnh cụ thể trong bài Cáo bình Ngô đầy nước mắt đồng cảm thương xót cho nhân dân, cho quê hương cho cây cỏ núi sông, đồng thời ngùn ngụt lòng căm thù, tức giận đối với kẻ ngoại xâm và bán nước.

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời

Nặng thuế khoá sạch không đầm núi

Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cả mập thuồng luồng.

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc ...

Rồi:

Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ

Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.

Đến:

Nặng nề những nỗi phu phen

Tan tác cả nghề canh cửi.

Trước tội ác đến độ:

Trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Nước Đông Hải không rửa sạch mùi

Lẽ nào trời đất dung tha,

Ai bảo thần dân chịu được?...

Ông đã:

Ngẫm thù lớn há đội trời chung

Căm giặc nước thề không cùng sống.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã mách bảo ông rằng, đã đến lúc trừ bạo để yên dân. Tâm trạng của ông, cũng là của Lê Lợi canh cánh suốt ngày đêm nỗi lo làm sao đánh giặc, cứu dân thoát cơn nguy biến và giành lại độc lập cho giang sơn. Tư tưởng nhân nghĩa ở đây xét đến cùng là lòng yêu nước thương dân. Bài Cáo toát lên một tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc khi nhắc lại lịch sử.

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...

Và:

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

Lòng yêu nước, thương dân vĩ đại ấy đã khiến Nguyễn Trãi cũng như Lê Lợi: đau lòng nhức óc, nếm mật nằm gai suốt mười mấy năm trời.

Đến khi chiến thắng giặc Minh, một lần nữa, tư tưởng nhân nghĩa - tấm lòng thanh cao của ức Trai càng cao vời vợi. Ông thương dân, mong muốn sớm yên bình cho quân dân nên ông đã lấy toàn dân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Hơn thế nữa, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã vượt lên, bao trùm lên những kẻ đã gây hoạ cho nước Đại Việt.

Theo ông, binh đao khói lửa chỉ là chuyện bất đắc dĩ, vì làm hao tổn sinh mạng, ông luôn mưu phạt tâm công để tránh đổ máu mà thu phục được lòng người. Với quân tướng bại trận của giặc, ông đã tha bổng và giúp cho về nước, không giết hại: thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh để giữ vẹn hoà hiếu. Ta thấy Nguyễn Trãi quả là một con người nhân nghĩa, với tấm lòng nhân hậu, bác ái và thanh cao tuyệt vời!

Đất nước thanh bình, ông nhắc đến cái giá phải trả và thốt lên: Than ôi, một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm... với tấm lòng xót xa cho những gì đã mất - đó là bao nhân mạng con người...

Đốì với Nguyễn Trãi, cái quí nhất là con người, là dân, là nhân nghĩa. Ông đã nhận ra, sức dân mạnh như nước làm lật thuyền (lời dịch) nên đã hết lòng vì dân, quan tâm chăm lo cho dân. Nhân nghĩa theo ông luôn là điều tâm niệm, từ quan đến dân, đến tướng: Đạo hàm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành (theo lời ông trong một bức thư gửi tướng giặc).

Trong tác phẩm Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, tư tưởng nhân nghĩa dường như hoà quện trong từng lời từng ý, toả ra dưới ngòi bút sắc bén của ông. Theo như câu mở đầu, việc nhân nghĩa là yên dân, là trừ bạo, bài Cáo đã cho thấy những suy nghĩ, những trằn trọc trăn trở của ông trong quá trình kháng chiến chống ngoại xâm (trừ bạo) và nỗi lo sau khi thái bình (để yên dân).

Nguyễn Trãi đã là một nhà thơ tư tưởng lớn biết chọn cho mình lí tưởng đẹp đẽ và cao quý như vậy. ông đã nguyện dành hết tất cả tài đức, khả năng của mình cho việc nhân nghĩa, để trợ dân (trong bài Tùng). Vì thế, sau khi về ở ẩn, khi vua mời ra làm quan, ông đã sẵn sàng ra ngay không nề hà.

Tâm hồn Nguyễn Trãi đong đầy nhân nghĩa, rất thanh cao và trong sáng, có thể coi như một viên ngọc quý. Tên tuổi ông là một dấu son lớn trong trang sử danh nhân Việt Nam.

Tư tưởng nhân nghĩa của ông vượt thời gian - qua bao thế kỉ, bao triều đại, và vượt cả-không gian - Vang danh trên thế giới, ý nghĩa rộng lớn không biên giới của lòng nhân nghĩa ấy để trở thành một tư tưởng vĩ đại của loài người!

Chúng ta kính trọng Nguyễn Trãi với tư tưởng nhân nghĩa quý báu đã góp phần lớn lao cho lịch sử dân tộc, lại càng thương thay cho cuộc đời lắm éo le, oan khuất của ông. Nguyên nhân cũng chính vì những kẻ xấu không chịu nổi tư tưởng của ông quá tiến bộ, con người ông quá trong sạch và tốt đẹp, vì sự chung thực của một con người nhân nghĩa - Nguyễn Trãi.

Nguyên Trãi đã được mọi người đời sau thương mến kính trọng vì tư tưởng và hành động (rất nhân nghĩa) của ông. Vua Lê Thánh tông đã từng đề cao: ức Trai lòng sáng tựa sao khuê và ngày nay, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã đánh giá: Nguyễn Trãi là tinh hoa của dân tộc qua bao thời đại kết hợp lại.

Chúng ta tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện được những điều có ích cho dân, cho nước, như nguyễn Trãi - tổ tiên chúng ta đã từng theo đuổi - và sẽ có nhiều tấm gương sáng noi theo ông - ngôi sao khuê sáng mãi trên bầu trời Đại Việt.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.