Anh (chị) hãy viết một đoạn văn phân tích những câu trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thể hiện đầy đủ, sâu sắc triết lí nhân sinh về quan niệm sống của ông cha ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp...

Đề bài:

Nói về quan niệm sống của ông cha ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Cái sống được cha ông ta quan niệm không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục”. Anh (chị) hãy viết một đoạn văn phân tích những câu trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thể hiện đầy đủ, sâu sắc triết lí nhân sinh đó.

Bài làm

Nói về quan niệm sống của cha ông ta thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “cái sống được cha ông ta quan niệm không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục”. Đọc “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu, ta thấy được sự thể hiện đầy đủ, sâu sắc triết lý nhân sinh đó.

Ngay từ đầu bài văn tế, tác giả đã dành một lời khẳng định tuyệt đối dành cho niềm vinh quang của những người sống theo chân lý về sự vinh, nhục đó: “Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi tợ phao; một trận nghĩa đánh Tây tuy là mất tiếng vang như mõ”. Nhà thơ đã lấy sự đối lập giữa cuộc đời của một nông dân bình thường, bình lặng không được ai biết đến với một cuộc sông “một phút huy hoàng”, được sống, chiến đấu và hi sinh hết mình cho sự nghiệp cứu nước vinh quang. Quan niệm: thà chết vinh còn hơn sống nhục của vị tướng thời Trần, Trần Bình Trọng đã trở thành một quan niệm sống của những người nghĩa sĩ yêu nước Cần Giuộc. Nguyễn Đình Chiểu đã thay lời họ nói lên những lời khẳng khái: “Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc thấy lại thêm buồn; sông làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. Cuộc sống đi theo quân tà đạo là một cuộc sống nhục nhã, đi ngược lại với đạo đức và truyền thống của nhân dân Việt Nam, “chia rượu lạt, gặm bánh mì” từ những kẻ thực dân đế quốc như một sự ăn xin, nhục nhã, ê chề, không chỉ hổ thẹn với đất nước mà cũng nên hổ thẹn cả với chính bản thân mình. Và ông nói thay cho quan niệm sống của những người nông dân, mà cũng chính là quan niệm sống của mình: “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh, hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”. Họ thà chọn cho mình cái chết nhưng giữ vững được tinh thần, ý chí chống kẻ thù (câu địch khái) để khỏi hổ thẹn với tổ tiền mình còn hơn chịu hai chữ “đầu Tây ». Đó là lối sống anh dũng, là cái chết vẻ vang: “Thác mà trả non nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ / Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia...”. Đó là một quan niệm sống - chết tích cực, và đúng với đạo lý làm người và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam chỉ như vậy mới có thề để lại danh thơm muôn thuở. Nó đã trở thành động lực thôi thúc người nghĩa sĩ quên mình chiến đấu cho sự nghiệp cao cả và vinh quang. Cùng với quan niệm đó, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng nên bực tượng đài sừng sững về người nông dân nghĩa sĩ còn lại mãi với thời gian.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.