Cảm nhận của em về đoạn kịch “Thề nguyền“ rút trong kịch “Rô - mê - ô và Giu - li - ét” của kịch tác giả sếch - xpia

Sếch-pia (1564 - 1616) là kịch tác gia vĩ đại của nước Anh thời Phục hưng, ông để lại 37 vở hài kịch và bi kịch, phần lớn là những kiệt tác trong kho tàng nghệ thuật nhân loại. Giấc mộng đêm hè, ồ-ten-lô, Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Hăm-lớt, Chuyện cổ tích mùa đông, Bão táp... đã lưu giữ trong tâm hồn khán giả những nhân vật - hình tượng tuyệt vời về tình yêu lứa đôi về khát vọng tự do, về lòng nhân ái mênh mông, về niềm tin sáng ngời vào khả năng hướng thiện vươn tới hạnh phúc của con người, nhất là thế hệ trẻ.

"Rô-mê-ô và Giu-li-ét" là một trong nhưng kiệt tác của Sếch-xpia được diễn lần đầu tiên vào năm 1595. Vở kịch được xây dựng theo một câu chuyện về mối hận thù truyền kiếp của hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét xảy ra tại Vê-rô-na, nước Ý thời trung cổ. Giu-li-ét và Rô-mê-ô là đôi trai tài gái sắc yêu nhau một cách say đắm, bất chấp mối thù hận dai dẳng giữa hai dòng họ. Cái chết vô cùng thương tâm của đôi tình nhân đã thức tỉnh lương tri khiến hai dòng họ tự nguyện xóa đi mối thù xưa và cùng dựng cho Giu-li-ét và Rô-mê-ô bức tượng bằng vàng nhằm lưu truyền hậu thế về một mối tình chung thuỷ cao đẹp. Chủ đề tình yêu, sức mạnh của tình yêu chiến thắng hận thù đã được thể hiện một cách cảm động qua vở bi kịch này.

Cảnh tình tự và thề nguyền là đoạn kịch trích ở Hồi II, cảnh 2 vỡ bi kịch "Rô-mê-ô và Giu-li-ét".

1. Không phái là cảnh "cách nhau một giậu mồng tơi", một giàn thiên lí,... mà nàng và chàng, người thì xuất hiện trên cửa sổ ban công, người thì đứng giữa vườn khuya. Sau buổi dạ hội hóa trang, Rô-mê-ô và Giu-li-ét lại gặp nhau lần thứ hai, khi mà tình yêu như ngọn lửa mới nhen bùng cháy. Gần giống như giai nhân trong tình sử ngày xưa "xâm xăm băng lối vườn khuya một mình", Rô-mê-ô đã mạo hiểm vượt tường cao lọt vào vườn hoa gần phòng ngủ của Giu-li-ét để chờ người yêu. Hành động ấy vô cùng nguy hiểm vì hai dòng họ đang hận thù nhau. Nếu gia nhân của gia đinh Ca-piu-lét bắt gập thì Rô-mê-ô khó lòng mà thoát chết. Nhưng tiếng gọi của trái tim, tiếng gọi của tình yêu đã cho Rô-mê-ô thêm nhiều sức mạnh và lòng dũng cảm như chàng đã nói: "Kẻ chưa hề bị thương thì sợ gì sẹo". Lưỡi kiếm của lũ gia nhân dù có sắc, có nhọn đến đâu, nhưng đối với Rô-mê-ô trong giờ phút thần tiên ấy thì chẳng có nghĩa lí gì, chẳng đáng sợ!. Cảnh tình tự diễn ra trong một không gian nghệ thuật thần tiên thơ mộng, khi "mảnh trăng thiêng liêng đương dát bạc trên những ngọn cây trĩu quả". Khu vườn khuya của gia đình quý tộc tràn ngập ánh trăng long lanh.

Giữa khung cảnh thơ mộng ấy, Giu-li-ét xuất hiện. Nàng xinh đẹp như ánh sáng "lóe lên" trên cửa sổ. Rô-mê-ô bị choáng ngợp cảm thấy "nàng Giu-li-ét là mặt trời", là "vừng đông" vô cùng "đẹp tươi". Chàng ngây ngất trước vẻ kiều diễm của người yêu, rồi khẽ thốt lên: "ôi, người mà ta sùng kính, người mà ta yêu dấu !...".

. Rô-mê-ô say đắm ngắm nhìn ánh mắt và gò má người yêu. Ánh mắt của nàng "lấp lánh" huyền diệu nguyên là "hai ngôi sao đẹp nhất trên bầu trời có việc phải đi vắng, đã thiết tha nhớ đôi mắt nàng lấp lánh, chờ đêm lúc sao về". Đôi gò má của nàng "đẹp rực rỡ" làm cho các vì tinh tú trên bầu trời "phải hổ ngươi", "như ánh dương làm ánh đèn phải thẹn thùng". Chàng đắm đuối, đê mê và khao khát: "Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!". Vẻ đẹp của Giu-li-ét là vẻ đẹp của một mĩ nhân lí tưởng, là ,ấnàng tiên", là "sứ giả nhà trời". Giữa đêm khuya, nàng ngự trên đỉnh đầu tình nhân, "nàng tỏa ánh hào quang như một sứ giả nhà trời có cánh đang cưỡi những đám mây lười nhẹ lướt trên không trung".

Rô-mê-ô sử dụng nhiều ẩn dụ so sánh, nhân hóa lúc nói để biểu lộ niềm vui sướng hạnh phúc và sự say mê được ngắm nhìn, được chiêm ngưỡng "nàng tiên" của lòng minh. Nhan sắc của Giu-li-ét được cảm nhận với tất cả tâm hồn đắm đuối của một chàng trai hào hoa đa tình. Ngôn ngữ của Rô-mê-ô là một thứ ngôn ngữ trang trọng của tầng lớp quý tộc được cách điệu, nhưng rất hoa mĩ, phong tình. Sếch-xpia vốn là nhà thơ viết rất hay về tình yêu, nên ông đã sử dụng những lời độc thoại của Rô-mê-ô bằng một thứ ngôn ngữ giàu chất thơ.

2. Tiếp theo là cảnh thề nguyền của lứa đôi

a. Giu-li-ét cất tiếng thiết tha gọi người yêu: "ôi, Rô-mê-ô, hỡi Rô-mê-ô!". Nàng băn khoăn trách sự trớ trêu của số phận: "Sao chàng lại mang tên đó nhỉ?" Nàng nêu lên điều kiện khi hỏi Rô-mê-ô: "Chàng hãy từ bỏ thân phụ đi, từ bỏ tên họ đi; hoặc nếu không thì chàng hãy thề là chàng yêu em đi, em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa". Tất cả vì tình yêu mà anh và em hãy từ bỏ gia đình, từ bỏ dòng họ, nghĩa là trút bỏ được mối thâm thù truyền kiếp.

Với giu-li-ét thì chỉ tên họ của Rô-mê-ô là "thù địch" của nàng mà thôi. Nàng thiết tha cầu khẩn: "Chàng ơi! Hãy mang tên họ nào khác đi!". Bông hồng nếu mang một tên khác thì "hương thơm vẫn cứ ngọt ngào", cũng như Rô-mê-ô nếu chàng mang tên Rô-mê-ô nữa thì "mười phân chàng cũng vẫn mười phân". Nàng van xin chàng hãy hi sinh vì một tình yêu đẹp: "Rô-mê-ô chàng ơi, chàng hãy từ bỏ tên họ đi. Cái tên kia đâu có phải là xương thịt của chàng, chàng hãy đổi nó lấy tấm thân em". Khi ngọn lửa tình yêu đang bùng cháy tâm hồn, Giu-li-ét cảm thấy băn khoăn, bối rối giữa mối hận thù truyền kiếp của hai dòng họ với mối tình thắm thiết mà nàng đang ôm ấp. Nàng tha thiết van xin người yêu. nàng cầu mong được sống trong hạnh phúc tình yêu. Giọng của nàng nghe thật nồng nàn, dễ thương: "Rô-mê-ô chàng ơi, chàng hãy từ bỏ tên họ đi... chàng hãy đổi nó lấy cả tấm thân em".

"Lặng nghe lời nói như ru...", Rô-mê-ô nhẹ nhàng nói với Giu-li-ét: "Chỉ cần được nàng gọi là người yêu, là tôi xin tức thì nhận tên thánh mới...Tình yêu có thể cho thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Rô-mê-ô sãn sàng chấp nhận mọi "cái giá" của tình yêu. Chàng "thù ghét" cái tên của mình, sẵn sàng "xé nát vụn" nó ra bởi vì cái tên ấy là "ké thù của nàng" - nàng tiên yêu quý mà chàng tôn thờ. Vì nàng tiên kiều diễm mà Rô-mê-ô tự phủ định "tôi chẳng phải là Rô-mê-ô mà cũng chẳng thuộc họ Môn-ta-ghiu" nếu nàng "chẳng ưa tên họ đó)".

Qua đó, ta thấy vì tình yêu, vì Giu-li-ét mà Rô-mê-ô "từ bỏ tên họ" của mình, mong có thể xóa đi mối hận thù dai dẳng của hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét. Đức hi sinh của Rô-mê-ô thật cao cả.

b. Cuộc tự tình của "đôi trẻ” lại chuyển sang một vấn đề mới. Giu-li-ét lo cho tính mạng của người yêu dám cả gan vượt tường cao, nếu bị phát hiện thì "chàng khó lòng thoát chết"', nếu họ hàng Ca-piu-lét bắt gặp thì "họ giết chàng mất". "Nhờ đôi cánh của tình yêu" mà Rô-mê-ô vượt qua được tường cao. Sức mạnh của ái tình thật là ghê gớm: "Tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua", bởi vậy "mấy bức tường đá ngăn sao được ái tình. Mà cái gì tình yêu dám làm là làm được". Rô-mê-ô chỉ cầu mong người yêu nhìn minh bằng "khóe mắt yêu thương" để vượt qua hận thù. Chàng cảm thấy cuộc đời vô nghĩa nếu "thiếu tình nàng", nếu "chẳng được nàng đoái hoài" che chở. Rô-mê-ô cho biết: "Ái tình, ái tình đã xui tôi tìm kiếm. Ái tình đã cho tôi lời khuyên; và tôi đã cho ái tình đôi mắt". Ái tinh đã làm tăng thêm tinh thần dũng cảm để "liều mình", để dấn thân tìm kiếm, như chàng thổ lộ: "Tôi chẳng phải là tay thuỷ thủ, nhưng giá nàng có ở nơi bờ biển xa xăm nhất, thì tôi cũng sẵn sàng liều mình vì báu vật".

c. Ngây ngất trong men say tình ái, nhất là khi được nghe những lời nói chan chứa yêu thương của Rô-mê-ô, má của Giu-li-ét "ửng đỏ" lên, nàng "muốn vượt vòng lễ giáo". Nàng tin Rô-mê-ô đã dâng hiến cho mình một trái tim yêu thương. Nàng xin người yêu "đừng thề thốt": nàng bộc bạch: "Chàng Môn-ta-ghiu tuấn tú ơi, em yêu chàng say đắm", và "xin chàng hãy tha thứ cho em và đừng vì nổi lòng yếu đuối bị bắt chợt trong đêm tối mà ngờ em là kẻ trăng hoa". Qua đó, ta thấy Giu-li-ét rất trân trọng, chân tình trong mối tình đầu nồng nàn say đắm. Nàng đã thể hiện một nhân cách, một phẩm giá trong sạch của một tiểu thư con cháu của dòng họ quý tộc danh giá.

d. Khi nghe Rô-mê-ô nói: "Tôi xin thề có mảnh trăng thiêng liêng kia đang dát bạc trên những ngọn cây trĩu quả", thì Giu-li-ét xin người yêu "đừng lấy trăng kia mà thề thốt", vì vầng trăng nghiêng ngả mà mỗi tháng lại thay đổi đường đi lối về. Nàng sợ tình chàng cũng sẽ như trăng kia thay đổi. Nếu chàng muốn thề thì "hãy đem tấm thân tuấn tú kia ra mà thề; đó là vị thần mà em thờ phụng, và em sẽ tin chàng".

Giu-li-ét nói lên niềm sung sướng được gặp người yêu trong đêm nay. Trước khi chào tạm biệt, lui vào nhà, nàng hi vọng "nụ ái tình" sẽ nở thành "một đoá hoa lộng lẫy": nàng cầu cho "sự thanh thản êm đềm của lòng mình cũng sẽ đến với trái tim" người yêu.

Thời gian như ngừng trôi. Tình lưu luyến của sợi tơ tình cứ giăng mắc mãi. Rô-mê-ô khẽ thốt lên: "Ôi! Nàng chẳng cho tôi được thỏa nguyện sao?", rồi Rô-mê-ô bày tỏ: "Tôi ước ao được cùng nàng trao lời thề chung thuỷ". Và khi nghe Rô-mê-ô e ngại người yêu lấy lại lời thề thì Giu-li-ét cởi mở lòng mình, tâm hồn mình với tất cả niềm tin của một tinh yêu nồng cháy: "Em chỉ muốn được rộng lòng hào phóng và tặng chàng lần nữa. Thật ra thì điều em ước, em đã nói rồi; lòng em mênh mông, tình em thăm thẳm như biển cả, em tặng chàng thì em lại càng có nhiều, vì cả hai đều vô tận".

Trước khi nghe nhũ mầu gọi phải trở vào phòng, Giu-li-ét nhẹ nhàng vỗ về an ủi, "xin chàng hãy giữ lòng chung thuỷ; chàng đợi em một chút, em sẽ trở lại ngay". Đứng một mình giữa vườn khuya, trong khoảnh khắc ấy, Rô-mê-ô sung sướng cảm thấy mình được sống trong một giấc mơ quá êm dịu của đêm thần tiên.

e. Giu-li-ét trở ra. Nàng muốn ngỏ với người yêu vài lời. Nếu chàng muốn cùng em "xe tơ kết tóc", "muốn hôn lễ cử hành ngày nào, chỗ nào", thì "lúc đó, em sẽ trao thân gửi phận trong tay chàng và nguyện theo phu quân tới nơi chân trời góc bể'. Nhưng nếu chàng "chẳng định", thì "xin chàng đừng theo đuổi làm gì nữa, để mặc em với nỗi khổ đau". Tiếng nhũ mẫu liên tiếp cất lên gọi tiểu thư. Trước khi tạm biệt lui vào phòng, nghe Rô-mê-ô nói: "Tôi xin thề trước linh hồn...", thì Giu-li-ét chúc người yêu "một đêm tốt lành". Rô-mê-ô cảm thấy cô đơn vì thiếu ánh sáng của nàng...", cảm thấy bơ vơ hơn bao giờ hết.

Rô-mê-ô quay trở lại khi Giu-li-ét lại xuất hiện ở cửa sổ. Đôi uyên ương lưu luyến không muốn rời nhau. Nghe Giu-li-ét "nhắc đi nhắc lại" tên người yêu mà đã khàn cả giọng thì Rô-mê-ô vô cùng sung sướng như được nghe "một bản đàn êm dịu". Hai người hẹn ước "chín giờ ngày mai", Giu-li-ét sẽ cho người tới gặp Rô-mê-ô để bàn định ngày nào, nơi nào cử hành hôn lễ. Không phải là "Ba thu dồn lại một ngày dài ghê", mà Giu-li-ét lại cảm thấy giây phút đợi chờ thật vô cùng lê thê, đằng đẵng: "Từ giờ đến lúc đó cứ đằng đẵng như hai chục năm trường".

Đêm đã tàn, trời sắp sáng nhưng đôi tình nhân cứ lưu luyến, dùng dằng mãi không muốn chia tay. Rô-mê-ô cứ muốn "mãi đứng lại nơi đây". ao ước "được làm con chim" sống trong tình thương và được người yêu "ve vuốt" mãi mãi. Khi Giu-li-ét trở vào, Rô-mê-ô còn lại một mình giữa khu vườn xa lạ, chàng chỉ cầu mong người yêu và bản thân mình được ngủ ngon, được thanh thản, được nghỉ ngơi êm đềm. Hạnh phúc đã ở trong tầm tay, chàng nghĩ là phải đến ngay tu phòng của cha linh hồn để "cầu người giúp đỡ" và ngỏ cùng người nỗi vui sướng tràn trề.

3. Cuộc tình tự và thề nguyền đã được khép lại một cách êm đẹp. Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã dũng cảm và quyết tâm vượt qua mối hận thù truyền kiếp của hai dòng họ, thề nguyền gắn bó chung thuỷ trong một tình yêu thắm thiết nồng nàn. Hai người đã bí mật đính ước tổ chức hôn lễ. Tình yêu chân chính, trong sáng đã cho đôi lứa một sức mạnh to lớn để vươn tới hạnh phúc.

Bằng trái tim nhân hậu và cảm hứng nhân văn dào dạt, Sếch-xpia như người cha tinh thần đã nâng đỡ hai tâm hồn Rô-mê-ô và Giu-li-ét xây đắp giấc mộng thần tiên cho một tình yêu sắt son chung thuỷ.

Đêm tự tình của đôi lứa diễn ra dưới vầng trăng thiêng liêng dát bạc trên những ngọn cây trĩu quả; tuy không có chén rượu thề nguyền nhưng sự chung thuỷ đã được khẳng định và khắc cốt ghi tâm.

Tình trường diễn ra chầm chậm, đầy lưu luyến với bao mộng ảo của một đêm thần tiên. Lời thoại của Rô-mê-ô và Giu-li-ét thấm đẫm chất thơ, chất thơ của tinh người thơm thảo. Tiếng gọi của nhũ mẫu cất lên liên tiếp mấy lần. Hình ảnh của tiểu thư lúc vào lúc ra đã làm cho tính kịch thêm phần hồi hộp, hấp dẫn.

"Dưới trăng đôi trẻ đinh ninh thề nguyền" là một trích đoạn kịch đặc sắc, hấp dẫn đã thể hiện ngọn lửa lung linh huyền diệu của một tình yêu tuyệt đẹp. Sếch-xpia đã khẳng định sức mạnh của ái tình, sự kì diệu của đôi cánh tình yêu, và đôi lứa đã trao cho "ái tình đôi mắt tinh tường, nhạy cảm". Cách thể hiện lời thề "Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương" trong vở kịch "Rô-mô-ô và Giu-li-ét" rất sáng tạo và tỏa sáng tinh thần nhân văn.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.