Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ ''Bên kia sông Đuống" (Hoàng Cầm): Em ơi buồn làm chi... Sao xót xa như rụng bàn tay

Trong vườn thơ ca kháng chiến chống Pháp, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm được sáng tác tháng 4 năm 1948 nổi lên như một bông hoa thắm sắc ngát hương. Bài thơ đã diễn tả được một cách khá thấm thía và cảm động tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương Kinh Bắc nói riêng, quê hương nước Việt nói chung với những tình cảm yêu thương, tự hào về quê hương giàu đẹp, có nền văn hoá nghìn đời đáng yêu và niềm căm giận trước tội ác kẻ thù đã giày xéo quê hương một cách phũ phàng qua những vần thơ như những lời tâm sự của tác giả.

Em ơi buồn làm chi

...

Sao xót xa như rụng bàn tay

Hoàng Cầm là một thi sĩ đa tài: làm thơ, viết kịch, diễn kịch. Ông thân sinh ra nhà thơ là một nhà nho nghèo đã từng thi trường Nam Định vài ba khoa nhưng không đậu nên phải đi dạy chữ Nho, bốc thuốc ở các nơi trong tỉnh Bắc Ninh. Mẹ Hoàng Cầm vốn là một cô gái xinh đẹp có tài hát dân ca Quan Họ, quê làng Bửu Xim, huyện Tiên Du, Hoàng cầm đã từng giới thiệu:

Tôi người làng Quan Họ

Quê mẹ bên này sông

Cách quê cha một dòng

Nước trắng

Bên kia sông Đuống ra đời vào tháng 4/1948 và được đăng lần đầu tiên trên báo "Cứu quốc". Sông Đuống còn gọi là sông Thiên Đức chia tỉnh Bắc Ninh ra làm 2 phần, Nam (hữu ngạn), Bắc (tả ngạn). Quê hương của Hoàng Cầm ở bên này hữu ngạn sông Đuống. Khi giặc Pháp chiếm đóng vùng đất này thì Hoàng Cầm đang công tác văn nghệ Việt Bắc. Hay tin giặc tàn phá quê hương mình, ông xúc động viết một mạch từ 12 giờ đêm đến gần sáng bài thơ nói trên với tâm trạng "niềm căm giận và thương cảm sâu sắc" như chính nhà thơ đã có lần tâm sự:

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngay đoạn thơ đầu tiên mở đầu bài thơ gồm 10 câu mở ra một cái nhìn toàn cảnh từ bên này nhìn sang bên kia, toàn cảnh về không gian và thời gian:

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

Đoạn thơ mở đầu bằng một tiếng gọi trìu mến thân thương để bày tỏ sự vỗ về an ủi của tác giả đối với một người "em" nào đó. Có thể đây là người em tưởng tượng nhưng thường trực trong trái tim tác giả. Phải chăng một cô gái nào đó cùng quê Bên kia sông Đuống với Hoàng Cầm? Điều đó làm cho lời thơ của tác giả trở nên trữ tình, thơ mộng hơn và dễ gây được sự đồng cảm sẻ chia đối với người đọc. Và phải chăng đại từ "em" trong câu thơ trên còn là sự phân thân của tác giả để tạo cớ hoài niệm, vừa cụ thể vừa phiếm chỉ tạo cảm giác ảo thực rất thi vị?

Thông qua niềm hoài niệm ấy, nhà thơ đã trở về với con sông Đuống trong cuộc sống thanh bình ngày xưa của mình. Dòng Sông Đuống vốn êm đềm yên ả, lặng lẽ "trôi" bất tận giữa lòng đất nước từ bao đời nay với cái màu "cát trắng phẳng lì" rất mực bình yên thơ mộng. Nhưng nay trong cái cảm giác mất hay còn, nhà thơ cảm thấy Sông Đuống như "lấp lánh" sắc màu hơn, hắt ánh sáng cầu vồng lên quê hương rực rỡ, lộng lẫy:

Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Cái dáng nằm "nghiêng nghiêng" ấy của Sông Đuống làm cho nó trở thành một sinh thể xinh xắn, duyên dáng, lãng mạn mà có tâm trạng như khắc khoải lo âu hơn, vì bên kia sông quân giặc đã tràn về. Đó là con sông hiện lên trong tâm tưởng của nhà thơ.

Qua tấm lòng yêu thương đầy tiếc nuối về quê hương Kinh Bắc của tác giả, cảnh bờ bãi ven sông cứ trải ra với một màu xanh trù phú, màu mỡ, bát ngát "Xanh xanh bãi mía bờ dâu - Ngô khoai biêng biếc". Tác giả không dùng chữ "xanh", chữ "biếc" mà dùng từ láy "xanh xanh", "biêng biếc" làm cho cái màu xanh thanh bình, sự sống và hy vọng cứ mở ra vô tận, hút tầm mắt trong niềm nhớ tỉếc khôn nguôi xen lẫn tự hào của thi nhân về quê hương giàu đẹp. Hình ảnh thơ do đó vừa mang giá trị tạo hình, vừa có ý nghĩa biểu cảm:

Đứng bền ni đồng ngó bên tê đồng mêng mông bát ngát

Đứng bèn tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông

(Ca dao)

Như vậy chỉ bằng mấy câu thơ đơn sơ mà Hoàng cầm đã tạo dựng lên được một bức tranh quê hương xứng đáng là một bức tranh sơn mài với những đường nét, màu sắc hài hoà tuyệt đẹp. Bức tranh được phác thảo bằng một vài nét chấm phá tài hoa với cái màu "cát trắng phẳng lỳ" xen lẫn với cái "xanh xanh bãi mía bờ dâu" trải dài nỐi tiếp với cái "Biêng biếc ngô khoai". 

Nhưng giờ đây từ Việt Bắc, từ bên này nhìn về chỉ còn là một "nỗi nhớ tiếc". Cho nên tác giả có cảm giác "sao xót xa như rụng bàn tay". Điệp từ "sao" được nhắc lại "sao nhớ tiếc", "sao xót xa" như một nốt nhạc láy lại hằn sâu thêm nỗi day dứt chồng chất, dồn nén nỗi đau đến bàng hoàng quặn thắt khi quê hương thanh bình giàu đẹp bỗng chốc bị chìm trong máu lửa. "Như rụng bàn tay" là một hình ảnh thơ tuyệt hay. Trước hết nó diễn đạt một cảm xúc rất cảm động: giặc chiếm quê hương là như chiếm một phần thân thể, như đứt tay rụng chân của mình vậy. Đúng như Tố Hữu đã viết:

Giặc về giặc chiếm đau xương máu

Đau cả lòng sông, đau cỏ cây

Sau nữa, qua hình ảnh thơ, Hoàng Cầm dường như đã biến nỗi đau tinh thần thành nỗi đau thể xác như cảm giác được.

Đoạn thơ trên đây của Hoàng Cầm là sự cảm nhận tình thế, sự thể hiện tài hoa của nhà thơ về sông Đuống - quê hương Kinh Bắc của tác giả, có sức lay động mạnh mẽ đối với trái tim người đọc. Đoạn thơ cũng đã thể hiện được tình cảm yêu nước sâu sắc, mãnh liệt và sự căm giận trước tội ác của giặc Pháp xâm lược của nhà thơ nói riêng và con người Việt Nam nói chung.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.