Hình tượng "sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh là lời giải bày rất chân thực về khát vọng tình yêu của tác giả. Hãy phân tích và chứng minh vấn đề trên

Xuân Quỳnh (1942-1988) là nhà thơ nữ giàu bản sắc trong nền thi ca Việt Nam hiện đại. Chị nổi tiếng với những bài thơ tình: “Hoa cúc xanh”, “Sóng”,  “Thuyền và biển", "Nói cùng anh", "Mùa hoa doi", v.v...

... “Tình anh đối với em là xứ sở

Là bóng rợp trên con đường nắng lửa

Trái cây thơm trên miền đất khô cằn

Đó tinh yêu, em muốn nói cùng anh

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

Lòng tốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự Người hơn".

(Nói cùng anh)

Với Xuân Quỳnh thì tình yêu là "nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng”, làm nảy nở bao đức tính tốt, làm cho con người "thực sự Người hơn”. Thơ tình của Xuân Quỳnh lúc nào cũng đằm thắm, nồng nàn, ngọt ngào, mê say. “Sóng” bài thơ tình đặc sắc, thể hiện khát vọng tỉnh yêu đắm say của người con gái trong tình đầu. Bài thơ được viết bằng thể thơ ngũ ngôn trường thiên, hình tượng "sóng" là ấn dụ về "em", về người con gái đang mang trong trái tim mình một tình yêu đẹp.

Trạng thái của sóng trên biển, lúc thì "dữ dội", lúc thì "dịu êm” có lúc lại "ồn ào”, có khi rất “lặng lẽ”. Và đó cũng là trạng huống tâm tình của lứa đôi trong tình yêu:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”.

Hành trình của sóng từ sông ra biển cũng là khát vọng của "em” muốn vươn tới mọi chân trời mơ ước thương yêu. Sóng trường tồn với đại dương mênh mông cũng như tình yêu là chuyện muôn đời của gái, trai, của lứa đôi xưa nay. Bời lẽ "Làm sao sống được mà không yêu - Không nhớ không thương một kẻ nào” (Xuân Diệu), nên tình yêu đã trở thành khát vọng của tuổi trẻ. Lời giãi bày về tình yêu của người thiếu nữ rất chân thực và nồng nàn:

"Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bổi hồi trong ngực trẻ”

Con sóng tình yêu có vồ triền miên, vỗ xôn xao trong lòng "Những cô gái da mịn màng như lụa - Những chàng trai đang độ tuổi hai mươi (Hoa cúc vàng) thì mới xúc động "bồi hồi" như vậy. Có yêu đời thiết tha, có yêu cuộc sống một cách nồng hậu, "Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần" (Xuân Diệu) thì mới tìm thấy vị ngọt của tình yêu, khi tình yêu trở thành khát vọng.

Nhìn trùng dương sóng bể, người thiếu nữ bâng khuâng nghĩ về mối tình đầu, nghĩ về duyên số, "em nghĩ về anh, em", và tự hỏi: “Từ nơi nào sóng lên”. Cái huyền diệu của vũ trụ, của sóng đại dương cũng như cái huyền diệu của tình yêu thật vô cùng. Thiếu nữ hỏi sóng hay tự hỏi mình, một câu hối tràn ngập tình thương yêu:

"Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Tinh yêu là sự sống muôn đời nơi "vườn trần” nhưng “Làm sao cắt được tình yêu" (Xuân Diệu). Câu thơ "Khi nào ta yêu nhau” diễn tả đúng nỗi niềm những lứa đôi đã chớm vị ngọt của tình yêu nồng nàn, say đắm. Cái giây phút “thắm lại” của lứa đôi trong mối tình đẩu, tuy không xác định được, nhưng không bao giờ có thể quên. Thi sĩ Thế Lữ, 70 năm về trước gọi đó là "cái thuở ban đầu lưu luyến” vô cùng đắm đuối và thiêng liêng:

"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm chưa dễ đã ai quên?"

Sóng được nhân hóa, "sóng nhớ bờ", sóng "ngày đêm không ngủ được", dù ở "dưới lòng sâu", hay "ở trên mặt nước". Sóng ru, sóng reo, sóng hát ca, sóng vỗ đêm ngày trên đại dương mênh mông. Cũng như bến đợi thuyền, thuyền nhớ bến, "thôn Đoài thì nhớ thôn Đông"...người con gái lúc nào cũng bồi hồi thương nhớ:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Đây là hai câu thơ rất hay nói lên một tình yêu nồng nàn, say đắm. Thiếu nữ đã giãi bày rất chân thực về khát vọng tình yêu của mình. Em nhớ anh triền miên, bổi hổi bồi hồi suốt ngày đêm "cà trong mơ" và cả trong lúc "còn thức”. Một chữ “nhớ” tràn ngập tình yêu thương.

Thủy chung là một trong những phẩm chất cao đẹp của tình yêu lứa đôi. Tình yêu cho lứa đôi sức mạnh để vượt qua mọi thử thách "tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua", chiến thắng mọi cách trở về không gian và thời gian. Phương Bắc và phương Nam, dẫu xuôi và ngược... nhưng tình em vẫn thiết tha mặn nồng:

"Dẫu xuôi về phương bắc

Dầu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”

Cấu trúc đoạn thơ: "dẫu ... cũng...", chữ “dẫu…” được điệp lại hai lần cho ý thơ được nhấn mạnh, đó là lòng son sắt thủy chung. Các vị ngữ: “cũng nghĩ”, "hướng về" liên kết với số từ "một" (một phương) là sự khẳng định một lời thể đinh ninh, như thi sĩ Tản Đà đã nói trong "Thề non nước":

"Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non còn nước hãy còn thề xưa”

Tình yêu đẹp đem đến cho "em" một niềm tin mãnh liệt. Sóng nhất định tới bờ dù trùng dương có "muôn vời cách trở". Sóng đã nói hộ lòng về niềm tin, con thuyên tình nhất định sẽ cập bến bờ hạnh phúc:

"Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

Xuân Quỳnh trong đời thường tuy đã uống bao vị ngọt tình yêu, nhưng chị cũng đã từng nếm ít nhiều cay đắng trong tình ái. Có điều, mỗi lần đối diện với những thử thách, chị vẫn hổn hậu dào dạt niềm tin về hạnh phúc mà tình yêu nhất định sẽ đem đến. Đây là một khổ thơ giàu ý vị và sáng ngời niềm tin:

"Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa".

"Tuy... vẫn...", "dẫu... vẫn", cấu trúc ấy làm cho ý thơ được khẳng định, niềm tin được khẳng định. "Năm tháng" và "mây" là hai hình ảnh ẩn dụ vể niềm tin trong tình yêu. Năm tháng sẽ đi qua cuộc đời dài, mây sẽ vượt biển rộng để bay về xa. Có thời gian nào, không gian nào mà con thuyền tình không vượt qua để vươn tới hạnh phúc?

Khổ cuối là lời ước nguyện của em, của người thiếu nữ trong mối tình đầu. Em muốn được "tan ra", muốn được hóa thân thành "Trăm sóng song nhỏ - Giữa biển lớn tình yêu - Để ngàn năm còn vỗ". Tình yêu không làm cho em bé nhỏ và ích kỉ. Em mơ ước về một tình yêu đẹp, bền vững trong hạnh phúc, được yêu và được sống “giữa biển lớn tình yêu” đến ngàn năm "còn vỗ"...Ước nguyện ấy mang tính nhân văn cao đẹp.

“Sóng” cũng như nhiều bài thơ tình khác của Xuân Quỳnh phản chiếu một tâm hồn trung hậu, rất yêu đời, sống hết mình với tình yêu, coi tình yêu và hạnh phúc là khát vọng. Lấy hình tượng "sóng", Xuân Quỳnh đã giãi bày rất chân thực về khát vọng tình yêu của người con gái: đinh ninh lời thề, thương nhớ bồi hồi, thủy chung sắt đá, tin tưởng về hạnh phúc tình yêu trọn vẹn vững bền.

Bài thơ cho thấy cái mới và tính sáng tạo trong thơ tình của Xuân Quỳnh. Người con gái giãi bày về tình yêu chứ không phải người con gái “được yêu” như trong ca dao, trong nhiều bài thơ tình khác. Cũng là “sóng” ẩn dụ, nhưng trong bài thơ tình "Biển" của thi sĩ Xuân Diệu "sóng" lại là hình ảnh người con trai đa tình:

"Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi hôn mãi

Hôn mãi đến muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt...”

Qua đó, ta thấy rõ cá tính sáng tạo trong thơ tình của Xuân Quỳnh. Hình tượng sóng, nhịp điệu sóng, và tiếng xôn xao "bồi hồi trong ngực trẻ” vể khát vọng tinh yêu trong bài thơ tình này đã từng ru biết bao chàng trai cô gái thời áo trắng trong những giấc mộng đẹp!

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.