Vấn đề đôi mắt trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao như thế nào? Ý nghĩa của vấn đề đó đối với việc sáng tác văn chương lúc tác giả viết truyện ngắn này và hiện nay? (Truyện được sáng tác năm 1948)

NHỮNG Ý LỚN CẦN GIẢI QUYẾT

1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm

2. Phân tích vấn đề "Đôi mắt" được đặt ra trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao như thế nào? Ý nghĩa của vấn đề đối với lúc bấy giờ và hiện nay?

GỢI Ý

1. GIỚI THIỆU

a) Về tác giả

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí, sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, tổng Cao Đài, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là xã Nhân Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam).

- Nam Cao có sáng tác đăng báo từ năm 1936, nhưng sự nghiệp văn học của ông chỉ thật sự nổi bật từ truyện ngắn Chí Phèo (1941).

+ Trước Cách mạng tháng 8-1945, sáng tác của ông tập trung vào hai mảng đề tài chính: Cuộc sống bế tắc của người trí thức tiểu tư sản nghèo (Sống mòn, Đời thừa, Trăng sáng), cuộc sống khổ đau của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến (Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận...). Ngòi bút hiện thực của ông vừa tỉnh táo sắc lạnh vừa nặng trĩu suy tư; ẩn sau một giọng văn có vẻ lạnh lùng, khách quan là một tấm lòng yêu thương sâu sắc đối với con người, ở giai đoạn này, Nam Cao được đánh giá là một trong những nhà văn hiện thực lớn.

+ Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông say sưa lao mình vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị như Đôi mắt, Nhật kí ở rừng (1948), Chuyện biên giới (1950). Ông được coi là một trong những nhà văn có công lớn trong việc xây dựng nền văn học cách mạng Việt Nam hiện đại.

- Tháng 11-1951, trên đường vào công tác ở vùng sau lưng địch, Liên khu 3, Nam Cao bị địch phục kích bắn chết gần bót Hoàng Đan (Ninh Bình) giữa lúc tài năng văn học đang tiếp tục nảy nở và đầy hứa hẹn.

b) Về truyện ngắn Đôi mắt

- Nam Cao viết năm 1948. Lúc đầu tác phẩm có tên là Tiên sư anh Tào Tháo, sau đổi thành Đôi mắt. Theo nhà văn Tô Hoài, đây là một Tuyên ngôn nghệ thuật của một thế hệ nhà văn trong buổi đầu nhận đường để bước vào cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Truyện có thể tóm tắt như sau: Độ và Hoàng là hai nhà văn đã từng quen biết nhau trước Cách mạng tháng Tám. Khi kháng chiến bùng nổ, Hoàng và gia đình tản cư ra một vùng quê. Độ đi kháng chiến và làm công tác tuyên truyền. Nhân đọc một bài báo do Độ viết, Hoàng viết thư mời Độ lên chơi. Độ đã đến với ý định rủ Hoàng cùng làm công tác tuyên truyền với mình. Khi gặp nhau, Hoàng đã kể cho Độ nghe tất cả những gì mà mình đã thấy, đã suy nghĩ về người nông dân, về cuộc kháng chiến một cách lệch lạc. Độ trao đổi lại với Hoàng những suy nghĩ của mình, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng không thể mời Hoàng làm công tác tuyên truyền với mình được.

2. PHÂN TÍCH

a) Giải thích nhan đề Đôi mắt

- Đôi mắt vừa có nghĩa đen là phương tiện, là cơ quan thị giác để nhìn sự vật, vừa có nghĩa bóng là khả năng cảm nhận của trí tuệ, tâm hồn con người. Ý nghĩa của Đôi mắt không chỉ là cái để nhìn mà còn là cách nhìn, cách cảm, cách nhận xét, đánh giá những điều nhìn thấy ở đời.

- Nam Cao đã theo nghĩa bóng mà đặt tên cho tác phẩm của mình. Đôi mắt chính là cách nhìn đời, nhìn người, là quan điểm của nhà văn đối với cách mạng và kháng chiến, đối với quần chúng nhân dân, những người đã làm nên Cách mạng tháng Tám và đang giữ vai trò quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên cơ sở đó, Nam Cao phủ nhận cách nhìn của một số văn nghệ sĩ thiển cận, lạc hậu, đồng thời khẳng định cách nhìn đúng đắn tiến bộ của những văn nghệ sĩ yêu nước, quyết tâm đi theo cách mạng và kháng chiến.

b) Vấn đề Đôi mắt dược đặt ra trong tác phẩm như thế nào?

- Tác giả xây dựng hai nhân vật Hoàng và Độ với hai cách nhìn khác nhau:

+ Đối với Cách mạng tháng Tám:

Hoàng đóng cửa quay lưng trước những sự kiện lớn của dân tộc, không hòa mình vào khí thế sôi động hào hứng của cả đất nước mà trái lại đóng cửa ở trong nhà, hình như có ý lo sợ, tránh né.

Độ thì tìm hiểu, quan sát và bừng tỉnh trước sức mạnh như trào dâng thác lũ của quần chúng, từ đó lấy lại niềm tin mà anh đã bị mất (Trước đây, có lúc Độ từng nghĩ người nông dân thời Lê Lợi, Quang Trung có lẽ đã chết hẳn rồi).

+ Đối với cuộc kháng chiến:

Hoàng thờ ơ, không tham gia gì. ông chủ tịch xã đến mời vợ chồng Hoàng dạy bình dân học vụ cho bà con mà vợ chồng Hoàng cũng từ chối. Hoàng chỉ đóng cửa ở trong nhà, thỉnh thoảng mới đi ra ngoài như một người xa lạ.

Độ thì lao vào cuộc kháng chiến, vừa làm vừa quan sát, suy ngẫm. Độ làm một anh tuyên truyền rất tích cực, say sưa, có khi ngủ ngay trong nhà in, bên cỗ máy chạy ầm ầm.

+ Với người nông dân:

Hoàng chỉ thấy họ dốt nát, lạc hậu, ngu muội, nhặng xị, thích nói chữ...

Độ thì vui sướng trước sự đổi đời của những con người nô lệ trước tư thế mới, tư thế làm chủ mà cách mạng đã đem đến cho họ.

+ Với chính quyền cách mạng: Hoàng dè bỉu, anh bán cháo lòng thì chỉ biết đánh tiết canh chứ làm sao biết làm ủy ban...

- Nguyên nhân dẫn tới cách nhìn khác nhau:

+ Do lập trường (điểm nhìn, chỗ đứng để nhìn): Hoàng có cách nhìn sai lệch là do anh coi cách mạng và kháng chiến là của ai đó chứ không phải của mình. Vì vậy, anh đứng ngoài để xoi mói, chế nhạo. Anh quên mình là một công dân và phải có trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc. Việc Hoàng viện cớ ghét người này người kia để tránh tham gia kháng chiến là một cái cớ không chính đáng.

Vậy lập trường đúng đắn lúc đó là như thế nào? Đó là lập trường cách mạng, lập trường kháng chiến, tức là phải đứng vào hàng ngũ cách mạng, phải tích cực tham gia kháng chiến, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của kháng chiến thậm chí có thể phải tạm thời hi sinh cả nghệ thuật mà mình ưa thích... Bằng Đôi mắt, Nam Cao đã vươn tới và khẳng định được lập trường cách mạng như thế.

+ Do lối sống (tính cách, tính tình, thói quen): Hoàng là một người ích kỉ, coi trọng cuộc sống và lợi ích cá nhân, tự tách mình ra khỏi nhân dân, dân tộc. Cái nhìn của anh vì thế mà trở nên sai lệch. Qua phân tích trên, ta thấy: vấn đề Đôi mắt được đặt ra khá gay gắt mặc dù tác giả kể chuyện bằng một giọng văn dí dỏm, có nhiều đoạn cười ra nước mắt. Nếu văn nghệ sĩ mang một cặp mắt nhìn đời, nhìn người sai lệch thì sẽ không thể sáng tạo ra những tác phẩm phục vụ cho nhân dân, cho cuộc kháng chiến, không thể gắn mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc được.

c) Ý nghĩa của vấn đề Đôi mắt dối với việc sáng tác văn chương

- Lúc bấy giờ:

+ Trước Cách mạng tháng Tám, qua những tác phẩm Trăng sáng, Đời thừa, Nam Cao đã trăn trở trước khá nhiều vấn đề: Thế nào là một tác phẩm có giá trị? Trách nhiệm của nhà văn trước cuộc sống như thế nào? Qua nhân vật Hộ, Nam Cao quan niệm nhà văn phải có đôi mắt của tình thương đối với con người, đặc biệt là đối với những kiếp người đau khổ, lầm than...

+ Sau Cách mạng tháng Tám, năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Quần chúng lúc bấy giờ là những con người mới được giải phóng và rất hăng hái đi theo cách mạng. Hầu hết văn nghệ sĩ cũng đi theo kháng chiến cứu quốc. Nhưng họ còn quen với cách nhìn, cách cảm và lối viết cũ. Họ chưa ý thức được đối tượng mới của văn nghệ la gì? Văn học nghệ thuật phải phục vụ cho ai? Đôi mắt được xem như một Tuyên ngon nghệ thuật vì tác giả đã đặt được những vấn đề:

Cái nhìn, thế giới quan có một ý nghĩa quyết định đối với sáng tác.

Văn nghệ sĩ phải hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, đất nước mới tạo ra được những tác phẩm tốt phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Đối tượng của văn nghệ là nhân dân, những con người không chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh mà còn có thể là người cải tạo hoàn cảnh. Họ là những người đã đứng lên làm Cách mạng tháng Tám và giờ đây đang gánh cả cuộc kháng chiến trên đôi vai vững chãi của mình.

Thông qua nhân vật Hoàng, Nam Cao muốn gửi một thông điệp: quyết tâm đoạn tuyệt với con người cũ, với mảnh tối của chính mình để gắn với cuộc sống mới của dân tộc.

- Đối với hôm nay, vấn đề vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc:

Nhìn và đánh giá văn học lãng mạn 1930 - 1945, văn học 1945 - 1975 như thế nào cho đúng? Nhìn bản chất của công cuộc đổi mới và những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong xã hội mới ra sao? Tất cả đều đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một cái nhìn nhạy bén, đúng đắn mới có thể sáng tạo ra được những tác phẩm tốt.

Cách nhìn không chỉ quan trọng đối với văn nghệ sĩ mà còn quan trọng với tất cả chúng ta, nhất là đối với thanh niên. Có cách nhìn đúng, chung ta sẽ vững tin hơn để sống, lao động và học tập, bước tới tương lai tươi sáng của chính mình và của dân tộc.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.