Phân tích hai nhân vật Chiến và Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình (đoạn trích được học) của Nguyễn Thi để thấy được những nét thống nhất và khác biệt trong khi xây dựng nhân vật của nhà văn

Nguyễn Thi là nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu của chiến trường Đông Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Năm 1962, ông tình nguyện vào chiến trường miền Nam lần thứ hai và làm việc tại Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam và tham gia sáng lập, phụ trách Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Chính cuộc đời sớm phải chịu nhiều vất vả đã giúp đỡ cho Nguyễn Thi nuôi dưỡng, gắn bó tình cảm với những con người Nam Bộ hồn nhiên, chất phác, những người đã cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho ông, giúp ông sớm có những suy ngẫm đúng đắn về con người và cuộc đời. Nguyễn Thi đã trở thành nhà văn của những người nông dân Nam Bộ son sắt, thủy chung,' kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Những tác phẩm của ông đã tái hiện lại một thời chiến đấu ác liệt đầy gian khổ hi sinh mà qua đó hiện ra những nhân vật mang đặc trưng và phẩm chất của thời đại: hồn nhiên, bộc trực, trung hậu, thiết tha yêu nước, yêu quê hương và biết căm thù giặc sâu sắc. Chất hiện thực hòa quyện với chất trữ tình được tuôn chảy qua dòng ngôn ngữ phong phú kết hợp với cách nói chân chất, thật thà của người Nam Bộ đã tạo ra những nhân vật có cá tính rõ ràng, sắc nét, tính cách mạnh mẽ. Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông, được sáng tác khi ông là phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Đoạn trích được học trong chương trình đã tập trung khắc họa hình tượng nhân vật Chiến và Việt. Trên dòng sông truyền thống gia đình, Chiến và Việt là những khúc sông sâu, là những thế hệ trẻ miền Nam thời đánh Mĩ mà Nguyễn Thi dồn nhiều tâm huyết đế khắc họa.

Gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và thủy chung với quê hương, cách mạng đã trở thành cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng hai chị em Chiến, Việt. Truyền thống đó đã gắn bó với những con người trong gia đình này lại với nhau, tạo nên ở họ những nét tương đồng. Ba má của hai chị em đã bị chết bởi bàn tay của đế quôc Mĩ nên việc xung phong đi bộ đội để trả thù cho người thân, để giành lại quê hương đất nước luôn luôn thường trực, thôi thúc trong lòng hai người. Trong đêm mít tinh để ghi tên tòng quân, Chiến và Việt là người đến đầu tiên chạy lên để ghi danh. Nhưng chị Chiến nhất định không chịu nhường Việt về chuyện đi bộ đội trước, chị lấy lí do phải đến Tết này thì Việt mới đủ mười tám tuổi. Thực ra, Chiến rất thương em, không muốn em phải xông pha đánh giặc nơi bom đạn nguy hiểm nhưng sâu xa hơn là trong Chiến luôn có một niềm khao khát được đánh giặc để trả thù cho má và quê hương,... Cả hai chị em đều muốn lên đường chiến đấu nhưng còn nhà cửa, em út thì giao cho ai ? Vậy nên Việt đi đâu thì chị Chiến cũng phải xem xét, tính toán. Chiến thuyết phục Việt ở nhà phụ với chú Năm, chờ qua năm hãy đi nhưng Việt nhất định không chịu. Chị Chiến đã mượn lời chú Năm để nhắc nhở Việt: Chú Năm nói mày với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu. Câu đáp của Việt cũng rất giản dị nhưng chắc chắn: Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị. Đêm trước ngày lên đường là một đêm rất vui của toàn bộ thanh niên xã, cũng là niềm vui, sự háo hức đến không ngủ được của hai chị em. Họ vui vì đã đến ngày lên đường, được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù cho gia đình và quê hương. Chiến và Việt đã cùng nhau khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm gửi với lời tâm niệm là chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Mối thù đối với hai chị em dường như có thế rờ thấy được vì nó đang đè nặng trên vai. Khi xung trận, cả hai chị em Chiến và Việt đều lập được chiến công rạng rỡ, vẻ vang cho truyền thống gia đình. Vào trận, Việt đã từng hạ được một xe bọc thép của địch và ngay cả khi bị trọng thương thì Việt vẫn trong tư thế chờ địch: đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Còn chị Chiến sau này cũng trở thành tiểu đội trưởng của bộ đội nữ địa phương quân Bến Tre,... Có thể nói rằng, Chiến và Việt đã kế thừa xuất sắc truyền thống anh hùng, quả cảm của cha ông. Dòng máu chảy trong hai chị em là dòng máu yêu nước thương nhà, căm thù giặc sâu sắc. Dòng sông truyền thống gia đình đến Chiến và Việt không chỉ tiếp bước dòng chảy của khúc sông trước mà thậm chí còn chảy xa hơn. Chính vận hội mới của cách mạng đã tạo điều kiện cho hai chị em được trực tiếp cầm súng đi trả thù nhà, đền nợ nước.

Hai chị em Chiến, Việt tuy đều có điểm chung, điểm tương đồng nhưng tùy vai vế, lứa tuổi, giới tính mà có một cá tính riêng. Đây chính là điểm đặc sắc trong khi khắc họa hình tượng nhân vật của Nguyễn Thi.

Đêm trước ngày lên đường tòng quân, những xếp đặt của Chiến về nhà cửa đã cho thấy cô thực sự đã trưởng thành, biết suy nghĩ một cách chín chắn. Chiến đã nhắc Việt viết thư cho chị Hai dưới biển nhưng rồi sau đó lại tự mình nhận trách nhiệm sẽ viết thư thông báo với chị. Chị Hai vốn là con nuôi của má vì cha mẹ chị cũng chết dưới tay bọn Tây. Gia đình Chiến đã coi chị là một người con ruột trong gia đình nên đã viết thư thông báo cho chị, thế hiện sự chu đáo, tôn trọng chị. Hơn nữa, Chiến còn sắp xếp cho thằng út sang ở với chú Năm để nhường nhà cho các anh ở xã mượn mở trường học cho trẻ con. Đây là một quyết định chứng tỏ Chiến đã đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân gia đình: sẵn sàng cho mượn nhà để làm trường học - nơi ươm mầm thế hệ tương lai của đất nước. Cô cũng đã dự định mang tất cả đồ đạc của gia đình sang bên nhà chú, khi nào chị Hai về làm giỗ má cần gì thì lại mang về. Chu đáo hơn là Chiến đã tính đến việc trao lại năm công ruộng ba má được cấp trước đây cho các cô, các bác khác làm, hai công mía thì nhờ chú Năm đốn hộ để dành làm giỗ cho ba má và quyết định sẽ đem bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm. Những việc làm này của Chiến đã khiến cho chú Năm ngạc nhiên vì sự trưởng thành trước tuổi. Đó là chi tiết cho thấy những đứa con trong gia đình cách mạng này đã ý thức rõ chỉ có lên đường diệt giặc thì mới trả thù được mối thù giặc Mĩ đang đè nặng trên vai. Vừa cụ thế lại vừa sâu sắc, lòng căm thù được cụ thể hóa bằng một nỗi đau sâu thẳm - nỗi đau mất mẹ, bằng sự hiện diện của hình ảnh người mẹ trên bàn thờ. Giọng nói của cô khi thu xếp việc gia đình nghe rành rọt tiếng nào ra tiếng ấy. Mọi chuyện như đã được cô xếp đặt đâu vào đấy, tỉ mỉ, chu đáo, nói nghe thiệt gọn khiến chú Năm cũng phải có chút sững sờ, nhìn hai cháu thật lâu rồi nói trong sự ngờ ngàng: Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Mặc dù chỉ hơn Việt một tuổi nhưng chị Chiến đã tỏ ra là một người chị cả biết lo toan, thu xếp chu toàn cho gia đình. Cô đã phải nghĩ ngợi lung lắm, lựa ý má lúc còn sống để sắp xếp mọi việc từ những chuyện thỏn mỏn nhỏ nhặt cho đến những công việc lớn của gia đình như chuyện làm giỗ cho ba má, chuyện chuyển bàn thờ má sang nhà chú Năm để có người hương khói khi hai chị em không có nhà,... Chính hoàn cảnh đã khiến cho Chiến có cách tính cách, sắp xếp của một người mẹ. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà chú Năm nói cô không khác mẹ một chút nào và ngay cả Việt cũng nhận thây như vậy: Chà, chị Chiến bữa nay nói in như má vậy! cũng phần nào nói lên sự tiếp nối, kế thừa đức tính tốt đẹp của người mẹ cho những đứa con. Chiến thực sự đã là mẹ của hai đứa em.

Trong tác phẩm, Việt là nhân vật xuất hiện nhiều nhất. Dường như tác giả đã trao ngòi bút cho nhân vật này tự viết lấy về mình bằng một ngôn ngữ, nhịp điệu và giọng điệu riêng. Và bằng cách ấy, Việt đã hiện lên cụ thể và sinh động trước mắt người đọc. Khi đi ghi danh tòng quân, chị Chiến đã nói với anh cán bộ là em mình chưa đủ tuổi tuyển quân, phải qua Tết này cậu mới đủ mười tám tuổi thì Việt đã giận dỗi với chị. Điều này đã cho thấy tính nết của cậu rất trẻ con nhưng trong sâu thẳm tâm hồn thì Việt luôn muốn ra trận giết giặc để trả thù cho ba má và quê hương. Trước ngày lên đường, chị Chiến giao cho Việt viết thư cho chị Hai nhưng cậu không nhận lời vì sắp đi đến nơi mà còn bắt viết thư. Mọi công việc trong nhà, Việt đều phó thác cho chị: Tôi nói chị tính sao cứ tính mà... Đêm trước ngày lên đường, Chiến lo toan thu xếp chu đáo việc nhà, từ em út, nhà cửa, ruộng nương đến nơi gửi bàn thờ má, bàn bạc với em một cách trang nghiêm, còn Việt thì chuyện gì cũng ừ: hồi đó má dặn chị làm sao, giờ chị cứ làm y như vậy, tôi chịu hết, lại còn vô tư lăn kềnh ra ván, cười khì khì, vừa nghe vừa chụp một con đom đóm úp trong lòng tay rồi ngủ quên lúc nào không hay. Thật là vô tư và hồn nhiên. Việt vẫn nghĩ mọi chuyện thu xếp của chị đều là do má dặn từ trước, kể cả chuyện đem bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm,... Khi Việt đã có hai tuổi quân, đã từng trải qua những trận đánh dữ dội, những cuộc đọ lê ác liệt với Mĩ, đã dùng thử pháo tiêu diệt xe bọc thép cùng sáu thằng Mĩ lẻ, nhưng khi bị lạc đơn vị thì Việt không thấy sợ, cái chết cũng không làm Việt sợ, nhưng Việt lại sợ bóng tối, sợ những con ma vô hình. Khi bị thương nằm một mình giữa chiến trường, chú nằm thở dốc khi chợt nhớ tới con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông mà các chị vẫn thường kể ở nhà. Sau những cố gắng phi thường, gặp lại anh Tánh và đồng đội, Việt vừa khóc vừa cười hệt như một đứa trẻ khóc đó rồi cười đó. Ở Việt có cái nét riêng dễ mến của một cậu con trai lộc ngộc, vô tư, tính tình trẻ con, ngây thơ và hiếu động, bên cạnh hình ảnh của một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm nơi chiến trường. Chỉ khi hai chị em khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm thì Việt nghe tiếng chân bình bịch của chị Chiến ở phía sau thì thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai. Việt càng yêu thương gia đình bao nhiêu thì càng căm thù quân giặc bấy nhiêu. Mối thù, tình mẹ như trở thành một khối lượng cụ thể trên vai hai chị em. Trong cái không khí vô cùng thiêng liêng ấy, con người ta bỗng thấy mình thành một con người khác, trưởng thành và khôn lớn hơn. Một người hồn nhiên, vô tư như Việt, vào chính cái giờ khắc này mới thấy thương chị lạ, mới thấy lòng mình rõ và cảm thấy rất rõ mối thù thằng Mĩ như có hình, có khối, có trọng lượng cụ thể đang đè nặng trên vai.

Trong khi xây dựng nhân vật, Nguyễn Thi rất quan tâm đến việc cá thể hóa. Một mặt, nhân vật nào cũng có những nét riêng biệt độc đáo, hiện lên mồn một trước mắt độc giả. Mặt khác, nhà văn cũng có ý thức nhấn mạnh điểm giống nhau giữa họ. Nói lên điểm giống nhau ở đây tức là nói đến nét bền vững trong truyền thống một gia đình xuất thân từ nông dân nhưng lại giàu tinh thần cách mạng, có lòng căm thù giặc sâu sắc, sống rất mực thủy chung. Hai chị em Chiến, Việt là những nhân vật tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ miền Nam cầm súng chiến đấu chống lại đế quốc Mĩ để trả thù cho gia đình và quê hương. Có thể nói, hai chị em đã là những khúc sông anh hùng nối dài dòng sông truyền thống một gia đình cách mạng yêu nước.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.