Hãy trình bày những suy nghĩ của mình về thân phận người phụ nữ trong tác phẩm bản dịch “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, thơ Hồ Xuân Hương và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người, ở một chừng mực nào đó, lời nhận xét trên của Nguyễn Văn Siêu là khẳng định giá trị trường tồn của các tác phẩm viết về con người. Cùng với những Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều, văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ, thân phận con người được phản ánh trong nhiều tác phẩm trở thành chủ đề lớn của nền văn học.

Vào những năm cuối thế kỉ X - XV, trong xã hội phong kiến Việt Nam, số phận con người hầu như có phần bị bỏ rơi, bị lu mờ trước số phận của dân tộc.

Người ta quen sống trong không khí sôi nổi, hùng tráng của hào khí chiến đấu với những chiến công vang dội mà quên những kiếp đời nhỏ nhoi, cá biệt. Rải rác đây đó trong văn học bắt gặp một vài câu chuyện đề cập đến thân phận con người (Một số chuyện trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ thế kỷ XVI), song có lẽ đấy chỉ là ngoại lệ.

Trước đó, một số ít bài thơ của Nguyễn Trãi đã xuất hiện những nét tâm lí riêng tư của con người, qua Nguyễn Dữ đến Phạm Thái, được biểu hiện đậm nét hơn. Nhưng để trở thành chủ đề lớn của nền văn học thì phải đến cuối XVIII, đầu thế kỷ XIX, khi quyền sống con người ít nhiều được đánh thức. Lúc này, hơn bao giờ hết người nghệ sĩ bị đặt trước sự lựa chọn quyết liệt: hoặc hướng ngòi bút vào những khổ đau của con người hoặc theo lối cũ ca ngợi chế độ. Những tác giả kiệt xuất của văn học Việt Nam giai đoạn này, với bản lĩnh cứng cỏi và trái tim nhân đạo, đã chọn cho mình con đường thích hợp: đi vào những vấn đề nhức nhối nhất của con người đấy là quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó cũng là lí do khẳng định tại sao những tác phẩm hay nhất giai đoạn này lại phần lớn là những tác phẩm viết về nỗi đau của con người.

Chế độ phong kiến bất công tàn bạo đang vùi dập những gì tốt đẹp nhất mà con người có thể có: tài, sắc, phẩm hạnh, sự khát khao hạnh phúc, tình yêu. Đau đớn hơn bởi nạn nhân của nó là người phụ nữ, đối tượng tập trung hết thảy mọi oan trái, đắng cay. Gói trọn trong hai chữ thân phận mà dường như hàm chứa hết mọi nghĩa của một đời người, tất cả cũng để dồn lại cái đích cuối: người phụ nữ, thân phận và nỗi đau.

Khi nói đến nỗi đau không nhất thiết phải là những mất mát lớn lao hay sự dằn vặt về miếng cơm manh áo. Không, cái phần người nhất của mỗi con người là ở ngọn nguồn sâu thẳm của tâm hồn, ở tình cảm riêng tư nhất, giản dị nhất, đời thường nhất mà nhiều khi ta không nghĩ đó chính là khởi điểm của những tưởng sẽ hạnh phúc đủ đầy, ngờ đâu rơi vào bất hạnh. Người cung nữ chôn vùi tuổi xuân, sắc đẹp trong điện gấm, cung son, phận mình bị người ghẻ lạnh thờ ơ, để cho thời gian cứ gậm nhấm dần:

Đêm năm canh lần nương vách quế

Cái buồn này ai để giết nhau?

Đau đớn nhất của người cung nữ là không được mãi mãi hưởng hạnh phúc. Chốn cấm cung hoá thành nhà tù giết chết con người một cách âm thầm, dai dẳng làm phôi pha dần tuổi trẻ và nhan sắc. Buồn tủi, oán trách, giận hờn, người cung nữ trút lên đầu ông tơ bà nguyệt nỗi uất ức của mình:

Giang tay muốn dứt tơ hồng

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.

Tuy vậy, họ làm sao ra được khỏi vòng kiềm toả của chế độ.

Tiếp theo, ta hãy nghe lời Mời trầu tha thiết của nữ thi sĩ họ Hồ:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá bạc như vôi.

Cái đặc biệt của Hồ Xuân Hương là bà vừa là chủ thể sáng tạo, nhưng cũng là nạn nhân, vì thế miếng trầu, quả cau cũng gắn liền với chữ duyên của đời bà. Hẳn Hồ Xuân Hương ý thức được mình là ai, như thế nào giữa cuộc đời. Khi cái tên Xuân Hương vang lên giữa câu thơ thì niềm khát khao hạnh phúc cũng được thổi bùng lên. Với sự xưng tên đĩnh đạc, đường hoàng, Hồ Xuân Hương thể hiện một bản lĩnh đáng quý, dám khẳng định cái tôi cá nhân cá thể, bài thơ tạo ra hai dự cảm đồng thời ở người đọc. Một bên là kết quả đẹp đẽ, gắn bó tạo nên sắc thắm của hạnh phúc. Một bên là sự chia li cho nghịch cảnh đớn đau xanh như lá bạc như vôi. Vì vậy miếng trầu ở đây không còn là miếng trầu trao duyên nữa, cũng như cách cấu trúc ngữ pháp có phải..., đừng... khẳng định mà ấn tượng tạo ra nghiêng về cái nặng nề, chia li. sắc thắm kia có thể chỉ là ước mơ, còn xanh lá bạc vôi kia lại là hiện thực đã được trải nghiệm xót xa thấm thía.

Nhưng dầu sao, khát khao cháy bỏng mời trầu cũng không thấm vào đâu so với nỗi đau chất chồng bởi thực trạng phũ phàng trong lặng lẽ.

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Hồ Xuân Hương chửi số kiếp, chửi hộ cho bao người đàn bà khác cùng chung cảnh ngộ. Mạnh mẽ, cứng cỏi, bản lĩnh... nhưng Hồ Xuân Hương cũng phải ngậm ngùi cho duyên kiếp. Đằng sau cái âm điệu đanh sắc của bài thơ, ta vẫn cảm thấy một chút chua xót, nặng nề mà dù có dấu cũng cứ lộ ra xa xót, cứ cắt lòng người. Nếu ở mời trầu, Xuân Hương khao khát đến cháy bỏng hạnh phúc thì ở làm lẽ, sự vỡ mộng mới cay đắng đến nhường nào:

Thân này mới biết đường này nhỉ

Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Hồ Xuân Hương đã cất tiếng kêu đòi tự do hạnh phúc cho bao kiếp đàn bà đang trong cảnh sống lẻ mọn.

Với Nguyễn Du, Thuý Kiều là nhân vật được đúc kết từ những mấu hình lí tưởng được đẩy đến giới hạn tột cùng của vẻ đẹp, trí tuệ, phẩm cách. Nhưng vì lí tưởng hoá nhân vật, nên nỗi đau cũng rất điển hình.

Một nàng Kiều sắc sảo, thông minh đến hoa ghen, liễu hờn nhưng đời đã xô đẩy vào mọi bể khổ trần ai, suốt mười lăm năm đoạn trường lưu lạc. Một nàng Kiều hiếu thảo nghĩa tình, thuỷ chung đằm thắm nhưng đời bắt chịu cảnh trái oan, cay đắng. Con người nàng là hợp lưu của mọi nỗi đau.

Mối tình đầu còn đắm say thì phải dứt tình dấn thân vào nơi ô nhục. Nỗi đau thể xác của những trận hành hạ mà mụ Tú Bà chủ mưu không làm cho nàng đau đớn bằng tâm hồn trong sáng của mình bị vẩn đục bởi trò lả lơi thô bỉ của nhà chứa. Sau những lần quên mình trong rượu, trong cảnh sống xô bồ, ô uế, nàng mới thấy hết cái nhục nhã chán chường:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Đây mới là con người thật của nàng, tấm lòng ngời sáng của người con gái họ Vương kiều diễm đã ý thức được phẩm giá của mình trong mọi nỗi bất hạnh, vẻ đẹp ấy hơn mọi vẻ đẹp và nỗi đau ấy mới là tuyệt đỉnh của nỗi đau.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân đạo, các tác giả đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với mọi kiếp đời bất hạnh. Nhưng lòng nhân đạo đó cũng chỉ dừng ở mức là lòng cảnh thương, là tiếng kêu đòi quyền con người chứ chưa có lối thoát, chưa hướng cho con người cách giải quyết thoả đáng. Điều đáng quý là họ đã dồn hết tâm lực, hết tài năng và trí tuệ của mình vào từng lời trong tác phẩm để nói lên những điều thiêng liêng mà xã hội phong kiến đương thời xem là huý kị.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.