Giải thích và chứng minh rằng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một công trình nghệ thuật thiên tài

1. Trước hết đó là một thành công lớn về mặt ngôn ngữ.

Văn học Tiếng Việt của ta có từ lâu đời. Giai đoạn văn học cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX có những thành tựu rất vẻ vang. Nhưng đến Truyện Kiều của Nguyễn Du thì văn học Tiếng Việt thời xưa mới đạt tới đỉnh của nó. Cách đem lời nói của nhân dân vào trong văn viết, cách du nhập và Việt hoá văn liệu, thi liệu, từ ngữ, thành ngữ, điển cố của văn học Trung Quốc và văn Nôm, trước kia và đương thời hãy còn nhiều chỗ lúng túng, vụng về, thì đến Nguyễn Du dường như đã giải quyết thoả đáng. Ngôn ngữ Việt Nam trở thành một thứ tiếng phong phú, tinh vi, giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, có thể diễn tả một cách chính xác, đầy đủ và đẹp đẽ nhất mọi sắc thái riêng biệt của thiên nhiên, xã hội và tâm tư con người.

Truyện Kiều sở dĩ được nhân dân yêu mến một phần không nhỏ chính là do trình độ tiếng Việt trong đó.

2. Nguyễn Du đã vận dụng ngôn ngữ tô điểm tác phẩm của mình bằng những cảnh hết sức xinh đẹp, mỗi cảnh chỉ mấy nét, nhưng nhịp nhàng, cân xứng và luôn luôn tiêu biểu, sinh động. Nhất là bao giờ cũng hoà hợp một cách sâu xa với tâm trạng con người, khiến cho tình người thêm thắm thiết và cảnh vật thêm đậm đà.

3. Con mắt Nguyễn Du có tài quan sát chừng nào thì trái tim của ông có tài đồng cảm với nhân vật chừng ấy. Truyện Kiều có bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu trường hợp, thì có bấy nhiêu tâm trạng phức tạp, nhưng bao giờ Nguyễn Du cũng lựa được những ý, những lời diễn tả thấu đáo và sâu sắc, lột tả được hoàn toàn tâm lí của nhân vật.

Trong khi lưu lạc, Thuý Kiều nhớ nhà bốn lần trong những tâm trạng khác nhau thì mỗi lần lại nhớ mỗi cách, xét ra rất hợp với hoàn cảnh và tâm lí của nàng. Thuý Kiều cũng đánh đàn bốn lần thì bốn lần tiếng đàn kêu khác nhau, ăn nhịp với tâm trạng của Thuý Kiều lúc ấy.

4. Cách kể chuyện trong Truyện Kiều cũng rất gọn gàng, sự việc đưa ra chỉ cần đủ để làm sáng tỏ tâm lí nhân vật, không rườm rà, phức tạp. Thường là kể chuyện xen với tả cảnh hay tả tình. Có lúc cần, lại tóm tắt sự việc một cách hết sức tài tình. Những lúc ấy, thường mỗi sự việc quan trọng chỉ tóm tắt bằng một đôi từ thu gọn được tinh thần của sự việc. Đoạn kể về tung tích của Thuý Kiều ở cuối truyện thường được coi là một đoạn kiểu mẫu.

5. Nhưng Truyện Kiều sở dĩ có sức sống mãnh liệt lâu nay chính vì Nguyễn Du đã xây dựng được những con người rất sống, những tính cách rất sinh động. Có nhiều nhân vật đã bước từ tác phẩm ra cuộc đời và có một cuộc sống riêng hẳn hoi, nhất là những nhân vật phản diện.

Chỉ cần một vài chi tiết, một vài câu cũng đủ cho biết con người đang mô tả là người thế nào, thuộc vào hạng nào. Dùng bề người mà hình dung bề trong, dùng cử chỉ, lời nói mà vẽ ra tâm lí, luôn luôn giữ được cái nhất trí của tính cách, đó là tài mô tả đặc biệt của Nguyễn Du. Ở nhân vật chính đã vậy mà ở nhân vặt phụ cũng vậy. Mã Giám Sinh là một tên con buôn lưu manh thì từ cách ăn mặc đến cách thầy trò hắn dẫn nhau tới nhà Vương ông, đến việc mua bán Thuý Kiều..., tất cả đều tố cáo tư cách hắn ngay từ đầu. Hoạn Thư là một người đàn bà thủ đoạn hiểm độc nhưng hết sức khôn ngoan. Từ Hải là một người anh hùng nhưng luỵ vì tình. Thuý Kiều là người con gái tài sắc, đa tình, thì từ đầu đến cuối truyện, mọi suy nghĩ và hành động đều hoà hợp với nhau một cách logic để bộc lộ đầy đủ những tính cách ấy. Đó cũng là một mặt quan trọng trong thiên tài Nguyễn Du.

6. Truyện Kiều là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du mà cũng là tác phẩm lớn nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Nó không những là kết quả lao động sáng tạo của một người mà còn là thành quả của một thời kì lịch sử, một thời kì văn học của mấy thế kỉ văn học.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.