Hãy kể một kỉ niệm về tình thương và sự hy sinh của mẹ cho em

DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG

A. MỞ BÀI

(Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh)

+ Ở nhà ngoại, mưa bay.

+ Nhớ nhà, nhớ mẹ.

+ Nhớ kỉ niệm về mẹ.

B. THÂN BÀI

(Phát triển câu chuyện)

Tôi là một đứa trẻ ốm yếu và được mẹ nuông chiều.

Chiều đi học bị mưa. Mẹ tôi vội đón, che mưa cho tôi về mẹ bị ướt.

Về nhà mẹ săn sóc tôi nhưng tôi vẫn bị bệnh. Tôi ương bướng không đáp lại tình thương của mẹ. Mẹ rất buồn.

Tôi ngủ thiếp đi. Sáng nay dậy tôi đă khỏe ra và đói bụng ăn rất ngon nồi cháo mẹ nấu tối qua mà tôi từ chối.

Mẹ không có nhà, mẹ bị bệnh nặng và đi nhà thương. Tôi vào thăm mẹ và rất hối hận.

Tôi phải về ngoại bởi nhà không có ai.

C. KẾT BÀI

+ Nhớ mẹ, tôi khóc.

+ Tồi thầm hứa với mẹ sẽ ngoan hơn và mong mẹ sớm về với tôi.

BÀI LÀM

Ngồi một mình trong phòng vắng ở nhà ngoại, nhìn ngoài trời mưa cứ bay bay, lòng tôi trào dâng một nỗi nhớ nhà. Sao mà cứ nao nao trống vắng vô cùng. Nhìn những sợi mưa giăng giăng trong không gian. Tôi thấy bóng mẹ tôi như con cò lướt thướt đi kiếm mồi cho con.

Ký ức trở về từ một cơn mưa. Tôi là một đứa trẻ mảnh khảnh và ốm yếu. Cứ trái nắng trái gió một chút là nằm yên trên giường, đầu nóng hầm hập. “Giang bệnh” là cái tên mà tụi ở lớp đặt cho tôi. Cho nên, dường như không lúc nào tôi thiếu vắng bàn tay chăm nom của mẹ. Cả nhà chiều chuộng tôi rất mực, và tất nhiên mẹ là người cưng tôi nhất, chăm sóc tôi nhất. Một buổi chiều mẹ tôi đun nước nóng kỳ cọ tấm thân ốm nhom của tôi. Mỗi buổi tối mẹ dỗ nựng tôi khi tôi phụng phịu từ chối ly sữa “bắt buộc” trước khi lên giường ngủ... Tôi cứ nghĩ rằng hình như mẹ tôi luôn luôn bên cạnh, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối... Có lẽ đêm nào mẹ cũng thức giấc để ém mùng, sửa gối cho tôi. Chả là tôi ưa hay “quậy phá” trong giấc ngủ...

Hôm đó, buổi chiều đi học thì trời đang chuyển giông. Mẹ lúi cúi rửa chén dưới bếp nói với tôi hãy mang áo mưa đi. Tôi vâng dạ nhưng đã chạy ra khỏi nhà mà chẳng vâng lời mẹ. Cơn mưa đã đổ ầm ào từ tiết học thứ tư và cho đến lúc tan trường vẫn chưa có dấu hiệu nào chấm dứt. Đói bụng quá, tôi quyết định chạy về nhà trong khi tôi đã thấy gai gai ớn lạnh. Vừa chạy được một đoạn tôi đã gặp mẹ đang xăng xái đến trường. Mẹ gọi tôi dừng lại, vội vàng choàng lên tôi chiếc áo mưa mẹ mặc. Mẹ đang bán hàng ngoài chợ nhưng đã dẹp hàng để chạy đến “cứu trợ” cho tôi, tôi mặc áo mưa rất thản nhiên và không chút ngập ngừng. Mẹ tôi trong phút chốc đã ướt lướt thướt và chúng tôi cầm tay nhau đi nhanh về nhà.

Chưa kịp thay đồ, mẹ chạy vào buồng lấy quần áo của tôi, bắt tôi thay gấp, bắt tôi lên giường nằm. Mẹ đắp mền cho tôi, xoa dầu nóng khắp người tôi rồi sau đó người mới lo cho bản thân mình.

Bữa cơm chiều muộn màng hôm đó thật buồn. Ba tôi đi công tác xa, chỉ có hai mẹ con tôi và mẹ. Tôi đã rên hừ hừ ở trong mùng. Tôi nhìn lên bàn ăn, mẹ trệu trạo nhai từng hạt cơm và mắt cứ như dán vào tôi. Mẹ ăn một chén lấy lệ rồi lại để một bàn tay của người lên trán tôi. Tôi đã cảm nhận không sai. Bàn tay mẹ không mát rượi như ngày nào mà nóng bỏng như lửa. Mẹ đỡ tôi ngồi dậy, bắt tôi uống thuốc rồi sửa gối ngay ngắn. Mẹ khuyên tôi hãy ngủ để mẹ tôi nấu cháo cho tôi ăn. Tôi vùng vằng và oà lên khóc. Khi tôi được lay dậy cũng là lúc đêm về khuya. Mẹ ngồi đó trong ánh đòn dầu lửa trông cứ nhạt nhờ, mờ ảo. Mẹ nài nỉ tôi ăn cháo. Mùi thơm cháo thật dễ chịu, nhưng sao mà miệng tôi đắng ngắt, tôi chẳng muốn ăn tí nào. Bao nhiêu lần muỗng cháo của mẹ đến môi tôi, tôi đều quay mặt từ chối. Mẹ cứ kiên nhẫn thuyết phục rằng đây là chén cháo ngon. Mẹ nấu bằng gạo Nàng Loan và hầm với thịt gà... Thật là chán khi mẹ không chịu buông tha. Tôi khóc rống lên... “Không... không... con không ăn đâu. Nếu ngon thì mẹ ăn đi. Mẹ đừng có ác với con như thế!”.

Mẹ cười: “ừ thì cả mẹ con mình cùng ăn vậy. Mẹ ăn trước nhé”. Mẹ húp muỗng cháo cái soạt muốn tôi nghe thấy, tôi lại ngoảnh mặt khi muỗng ấy đến môi mình. Mẹ ngồi yên không động đậy, tay cầm chén cháo trong tay mà ngơ ngác và bối rối. Lại nài nỉ, lại từ chối. Lần cuối tôi đã vung tay vô ý và chiếc chén trên tay mẹ rơi xuống sàn nhà vỡ choang. Cháo bốc khói và lênh láng trên mặt đất. Tôi kéo mền co người lại, mặc mẹ muốn làm gì thì làm. Mẹ ngồi im như vậy rất lâu. Tôi lén vén mền thấy hai gò má của mẹ chảy hai dòng nước mắt. Vậy mà tôi vẫn lì và ngủ thiếp từ lúc nào.

Sáng hôm sau, tôi đã đỡ. Tôi gọi mọi người cho tôi ăn. Cô tôi đưa lên cho tôi một tô cháo nóng hổi và thơm lừng. Những miếng thịt gà trắng trông đến là ngon. Tôi húp lấy húp để muốn bỏng cả mồm. Khi cô tôi đi múc tô thứ hai thì tôi ngờ ngợ: “ủa mẹ giận mình hay đã đi chợ?”. Tôi hỏi cô tôi, thì cô nói nhỏ, giọng buồn buồn: “Mẹ con bị cảm nặng, sốt rất cao đã đưa đi bệnh viện rồi!”.

- “Mẹ ơi! Mẹ ơi...” Tôi kêu rống lên rất thảm thiết. Tôi đập đùng đùng ở trên giường “Ôi... mẹ ơi!...”. Tôi như tuyệt vọng trong niềm hối hận vô biên. Tại sao tôi lại quá ngây thơ khi mẹ choàng áo mưa cho tôi mà tôi đành để cho mẹ ướt? Tại sao tôi cũng không biết rằng mẹ đã sụt sịt cả tuần nay nhưng cũng không bỏ qua gian hàng để kiếm cơm gạo cho gia đình? Và trời ơi, tại sao tôi không biết khi người buông đũa trong bữa cơm, cũng như lúc người mớm cho tôi từng muỗng cháo cũng là lúc cơn bệnh đã hành hạ? Ôi, tại sao tôi lại thờ ơ với bàn tay nóng hầm hập của mẹ, làm sao tôi lại thờ ơ với dòng nước mắt bất lực của mẹ...
Chiều hôm đó, cô đưa tôi vào bệnh viện gặp mẹ. Mẹ nhỏ bé nằm ngập giữa màu trắng của khăn trải giường và của những cái gối cao. Chính vì thế mà cái nếp nhăn của mẹ xanh xao, phờ phạc càng nổi rõ hơn. Mẹ tôi đang mê man bất tỉnh. Cánh tay mẹ đầy những dây ống. Mẹ đang được truyền nước biển. Tôi không cầm lòng được. Nước mắt rơi lã chã và tôi ngồi xuống chiếc ghế góc phòng khóc nấc lên. Các bác sĩ yêu cầu cô tôi dẫn tôi về..

Căn phòng nhà tôi khi vắng mẹ sao mà trống trải và lạnh quá. Cô tôi an ủi tôi nhiều mà sao lòng tôi chẳng phút nguôi ngoai. Tối hôm ấy khi chợp mắt tôi lại thấy khuôn mặt mệt mỏi của mẹ xanh lợt, cặp môi tươi son là thế đã chuyển sang màu tím bầm... Ôi mẹ ơi, đêm nay lạnh lắm không hở mẹ?

Tôi thức giấc trong đêm khuya. Bát ngát tiếng côn trùng gieo vào không gian điệu nhạc buồn não nề. Tôi khóc, tôi ân hận, tôi lắng nghe tiếng mưa đổ ngoài trời...

Mẹ vẫn bệnh chưa dứt, cô tôi phải về vì bận việc. Nhà tôi đành khóa lại, tôi đi sang ở với ngoại. Buổi chiều mưa vẫn rơi, khóe mắt tôi cay cay. Tôi nhớ đến một câu thơ của Trần Đăng Khoa và thầm nguyện ước: aCon mong mẹ khỏe dần dần Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say”...

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.