Tuyên ngôn Độc lập - áng thiên cổ hùng văn của thời đại mới

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Cần chú ý các ý cơ bản sau đây:

- Tuyên ngôn Độc lập mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước.

- Tuyên ngôn Độc lập là sự nối tiếp - nâng cao của lịch sử dân tộc trong thời đại mới.

- Giá trị lớn lao và toàn diện của Tuyên ngôn Độc lập (giá trị lịch sử, tư tưởng, nghệ thuật), sức thuyết phục và tác dụng to lớn của áng văn mở nước.

BÀI VĂN THAM KHẢO

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - ÁNG THIÊN CỔ HÙNG VĂN CỦA THỜI ĐẠI MỚI

Truyền thống yêu nước - anh hùng của dân tộc đã kết tinh trong ba bản Tuyên ngôn Độc lập như những dấu son đẹp đẽ trên hành trình đi lên của đất nước: Thơ thần, tương truyền của Lí Thường Kiệt, năm 1077, đầu thời tự chủ; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi năm 1428, bắt đầu thời kì phục hưng ở thế kỉ XV; Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945, mở ra một kỉ nguyên của Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội. Nếu Thơ thần vang lên như hồi kèn xung trận, cổ vũ tướng sĩ vượt sông Cầu đuổi giặc Tống đến tận biên giới; nếu Bình Ngô đại cáo sang sảng như tiếng gươm khua trên đầu thù trong tiếng ca khải hoàn thắng trận; thì Tuyên ngôn Độc lập là "áng thiên cổ hùng văn" của thời đại cách mạng vô sản đã chấm dứt một thời kì đau thương nô lệ của dân tộc để mở ra một trang sử mới huy hoàng cho đất nước.

Càng tự hào về khí phách độc lập tự chủ "Nước Nam là của vua Nam" (Thơ thần), càng trân trọng tư tưởng sáng ngời "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" (Bình Ngô đại cáo), chúng ta lại càng nhận rõ tầm cao và ý nghĩa sâu sắc của Tuyên ngôn Độc lập, bởi đây chính là sự nối tiếp - nâng cao của lịch sử dân tộc trong thời đại mới. Mặc dù là đỉnh cao của tư tưởng lúc bấy giờ, nhưng do hạn chế của lịch sử, hai bản tuyên ngôn thời phong kiến chỉ mới giải quyết được một yêu cầu: đó là Độc lập cho dân tộc. Còn Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 thì lại giải quyết thêm một yêu cầu nữa hết sức quan trọng: Đó là Dân chủ cho nhân dân. Tuyên ngôn đã khẳng định một sự thật lịch sử chưa từng có của Cách mạng Việt Nam: "Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa". Như vậy, cũng có nghĩa là cùng với chữ Độc lập, Tuyên ngôn đã có thêm chữ Tự do. Đó là tư tưởng, chân lí của thời đại, mà 21 năm sau, người viết Tuyên ngôn Độc lập đã đúc kết trong câu nói nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" (Lời kêu gọi toàn quốc chống Mĩ, ngày 17-7-1966).

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lí bất di bất dịch về quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Đó chính là nguyên lí làm cơ sở tư tưởng cho toàn bản tuyên ngôn. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không trực tiếp nêu lên nguyên lí ấy mà lại dẫn ra từ hai bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hóa của những dân tộc ấy. Cách viết như vậy thật cao tay: vừa đủ sức thuyết phục để có thể khóa chặt vấn đề ("Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được"), vừa tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, người Mĩ để "chặn họng" chúng lại, nếu nhất định chúng tiến quân xâm lược Việt Nam như Người đã từng nhận rõ dã tâm xâm lược của chúng. Đây chính là nghệ thuật "lấy gậy ông đập lưng ông" - ngón võ dân gian mà Người sử dụng thật tài tình, đắc địa.

Nhưng không chỉ nhắc lại mà Người còn "suy rộng ra" từ hai bản tuyên ngôn ấy: "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Đây là một đóng góp đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, như một nhà văn hóa nước ngoài đã thừa nhận: "Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình". Bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa đã nổi lên trên khắp thế giới vào nửa sau thế kỉ XX, phải chăng cũng từ tư tưởng lớn đó của Người?

Phần tiếp theo của bản Tuyên ngôn là chứng minh nguyên lí đã nêu. Ai thực hiện đúng nguyên lí, và ai đã làm trái nguyên lí ấy - tất cả đều được bản Tuyên ngôn nêu lên bằng một hệ thống lập luận hết sức chặt chẽ và đanh thép, với những sự thật rõ ràng "không ai chối cãi được". Chính bọn thực dân Pháp đã "lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, đẫm máu cả về chính trị và kinh tế đối với nhân dân ta; chúng không "bảo hộ" được ta như chúng thường rêu rao bịp bợm, "trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật". Chúng còn thẳng tay khủng bố Việt Minh, "thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng".

Bản Tuyên ngôn khẳng định dân tộc Việt Nam là người đã thực hiện đúng nguyên lí. Dân tộc ta có quyền hưởng độc lập, tự do, có đủ tư cách làm chủ đất nước và đã đứng lên để giành quyền tự do, độc lập ấy: "Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Và mặc dù bọn thực dân Pháp đã có những hành động tàn bạo, đê hèn đối với Việt Minh, nhân dân ta vẫn giữ thái độ khoan hồng và nhân đạo ngay đối với kẻ thù đã thất thế: "Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ". Một dân tộc như thế thật xứng đáng được hưởng tự do, độc lập, và điều này đã vang lên đanh thép trong lời khẳng định hùng hồn tuôn trào từ trái tim yêu nước tự hào của người viết: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".

Tất cả là để đi đến lời tuyên bố trịnh trọng với thế giới ba điều then chốt về Độc lập và Tự do của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". "Có quyền" là nguyên lí, "sự thật" là kết quả đấu tranh để thực hiện đúng nguyên lí, "giữ vững" là ý chí quyết tâm để bảo vệ nguyên lí. Phải chăng đó là ý chí của dân tộc Việt Nam đã kết tinh trong lời tuyên bố hùng hồn, vang dội của lãnh tụ trước thế giới, để ngời sáng lên tư tưởng lớn của thời đại: "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do"? Tư tưởng ấy đã được biểu hiện tuyệt vời trong một bài văn chính luận mẫu mực khiến nó được xem như là áng thiên cổ hùng văn của thời đại cách mạng vô sản. "Tài nghệ ở đây là dàn dựng được một lập luận chặt chẽ, đưa ra được những luận điểm, những bằng chứng không ai chối cãi được. Và đằng sau những lí lẽ ấy là một tầm tư tưởng, tầm văn hóa lớn đã tổng kết được trong một văn bản ngắn gọn, trong sáng, khúc chiết, kinh nghiệm của nhiều thế kỉ đấu tranh vì độc lập, tự do, vì nhân quyền, dân quyền của dân tộc và của nhân loại" (Nguyễn Đăng Mạnh). Áng thiên cổ hùng văn ấy gắn liền với tên tuổi người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, mở ra một trang sử mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam đi lên từ bấy đến nay.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.