Hướng dẫn
1. Có thể xếp sáu bài ca dao trong sách giáo khoa thành ba nhóm.
Nhóm 1: Ba bài đầu, gồm lời chàng trai, lời cô gái rồi lại lời chàng trai, có chủ đề trai gái trò chuyện tỏ tình hoặc thổ lộ ước muôn về nhau.
Nhóm 2: Chỉ có bài 4, là tâm trạng lo phiền của cô gái về tình duyên chưa yên của mình.
Nhóm 3: Hai bài cuốỉ, gồm lời chàng trai, lời cô gái về tình và nghĩa, sự thủy chung và sự lỡ dở trong tình yêu.
Cả ba bài ca dao đầu vì thuộc nhóm “ước gì” nên chàng trai và cô gái tha hồ ước. Họ bất chấp hiện thực cuộc sống. Họ dùng những hình ảnh ẩn dụ thậm xưng nên ta gặp ở đây con sông chỉ rộng một gang và cái cầu chỉ là cành hồng, dải yếm. Thực ra, khi sông chỉ rộng có một gang tay thì cầu còn có ý nghĩa gì nữa, vì chàng trai và cô gái đều có thể dễ dàng bước qua. Còn chuyện chàng trai hóa ra gương soi, ra cơi đựng trầu, thì còn gì là chàng trai nữa, vì chàng trai đã thuộc vật sở hữu của cô gái rồi.
Tình cảm của cả chàng trai và cô gái trong ba bài ca dao đầu tiên đều đang bén rễ, đang phát triển. Rất có thể họ sẽ đến với nhau vì những hình ảnh cành hồng, dải yếm, gương soi, cơi trầu quá gần gũi với họ, và đều chỉ về cuộc hôn nhân.
2. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là một cô gái vì chỉ cô gái mới có cái khăn lúc thì dùng để vắt vai, lúc thì rơi xuống đất. Rồi bên đó là ngọn đèn suốt đêm vì thương nhớ ai mà đèn không tắt. Rồi đến con mắt vì thương nhớ ai mà ngủ chẳng yên. Đến hai câu cuối mới lộ rõ đại từ “em” thì đúng là nỗi lòng của cô gái rồi. Có thể vì một mốì tình trắc trở mà khiến cho cô gái không yên nỗi lòng, suốt đêm trằn trọc. Đúng là một tâm sự rất thật của ai đó đã mắc vào cái lưới yêu đương.
Bài ca dao đã sử dụng thủ pháp trùng điệp, ẩn dụ một cách tài tình. Lúc đầu là lặp lại hình ảnh cái khăn, rồi tiếp đó là hình ảnh ngọn đèn, hình ảnh con mắt. Chỉ đến hai câu cuôì mới là bộc lộ trực diện của cô gái đang yêu. Chất trữ tình ở đây đầy kịch tính, nhiều lớp lang, nhiều đợt cao trào. Bài ca dao đầy cảm xúc hay vì những thủ pháp như thế.
Cây đa, bến nước, con đò, khách bộ hành đều là những hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ vốn có trong cuộc sông. Cây đa, bến nước biểu trưng cho những gì bền vững, ít thay đổi, chỉ người con gái, vì con gái ngày xưa ít đi xa nhà. Con đò và khách bộ hành biểu trưng cho những gì dịch chuyển nay đó mai đây, chỉ người con trai, vì con trai thì hay đi làm ăn xa, nay đây mai đó. Nhưng trong cõi thẳm sâu, đó là những ẩn dụ của nỗi lòng. Liệu ai đó có giữ được cõi lòng chung thủy?
Bài 5 là lời của chàng trai trong hình ảnh khách bộ hành. Vì có nghĩa nên khách bộ hành vẫn trở về cây đa cũ, bến đò xưa, mặc mưa, mặc nắng.
Bài 6 là lời nuối tiếc của cô gái vì con đò cũ không về lại bến, nên “con đò khác” đã đưa cô gái đi rồi. Một nỗi buồn thanh tao, man mác.